Là huyện đầu nguồn nên hàng năm sản lượng cá thiên nhiên đổ về tại các nhánh sông Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, Tân Thành – Lò Gạch, khu vực huyện Tân Hồng rất lớn, nhiều nhất là cá chốt, cá lăng.
“Cứ mỗi khi lũ về, lượng cá thiên nhiên trên các nhánh sông khá nhiều, thịt rất thơm ngon. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, tôi nghĩ sao mình không phát huy thế mạnh của địa phương để tạo ra sản phẩm cá khô nhằm gia tăng giá trị cho loại thủy sản này” – chị Dương Thị Hồng Chuyên chia sẻ động lực để khởi nghiệp...
Để chuẩn bị hành trang cho quá trình khởi nghiệp, chị Nguyễn Lê Cẩm Tú và chị Dương Thị Hồng Chuyên tham gia nhiều lớp tập huấn khởi nghiệp do các ngành hữu quan trong và ngoài tỉnh tổ chức; thường xuyên lên mạng cập nhật kiến thức, nghiên cứu công thức tẩm ướp các loại khô cá.
|
"Nhị cô nương" Nguyễn Lê Cẩm Tú và chị Dương Thị Hồng Chuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào đóng gói.
|
Vào giữa năm 2017, hai chị bắt tay vào sản xuất mẻ cá khô đầu tiên. Dù có bước chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì hai chị gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Những ngày đầu, chị Tú và chị Chuyên phải đối mặt với sản phẩm cá khô qua chế biến bị hư hỏng, thời gian sử dụng khá ngắn, quy trình tẩm ướp chưa đạt yêu cầu...
Với khát vọng khởi nghiệp mãnh liệt, sau nhiều lần thất bại, hai chị đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quy trình chế biến. Đối với công thức tẩm ướp, gia vị được xem là yếu tố tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại.
Xác định khô là mặt hàng dễ bị cạnh tranh, vì vậy sản phẩm không chỉ có công thức tẩm ướp tốt mà nguyên liệu đầu vào cũng phải đảm bảo. Nhận định được điều đó, chị Chuyên đã chọn những con cá trưởng thành vừa được ngư dân đánh bắt, thịt dày để cho ra sản phẩm khô đảm bảo chắc thịt, béo...
Từ sự nỗ lực của bản thân, những mẻ cá tiếp theo của cơ sở đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khách hàng. Cá sau khi được làm sạch, được tẩm ướp, mang ra phơi nắng từ 1 – 3 ngày. Khi kiểm tra cá khô đã đủ nắng, sẽ đưa vào kho đóng gói theo hình thức hút chân không để thời gian bảo quản được dài hơn.
Sau hơn 1 năm trải qua khó khăn vất vả, hiện nay việc kinh doanh đi vào quỹ đạo, mỗi tháng Cơ sở sản xuất khô Ba Khía cung ứng cho thị trường bình quân từ 2 – 3 tấn khô, với nhiều dòng sản phẩm khô như: cá chốt, cá lóc, cá lăng, cá chạch, cá lưỡi trâu, khô nhái… Vào những dịp lễ Tết, đơn hàng của cơ sở tăng gấp đôi so với ngày thường. Từ một vài người thân, bạn bè quen biết dùng thử, đến nay sản phẩm của Cơ sở sản xuất khô Ba Khía đã có mặt trên nhiều thị trường như: TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Bến Tre....
Bên cạnh sản xuất, Cơ sở sản xuất khô Ba Khía còn tận dụng phế phẩm từ chế biến khô để làm thành thức ăn cho cá giúp nâng cao nguồn thu. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho nhiều người dân cùng quê, giúp họ có được thu nhập ổn định hơn.
Theo Khánh Phan / Báo Đồng Tháp