Làng "mổ xác" máy bay, tàu hỏa, thu bạc triệu mỗi ngày ở Bắc Ninh

Google News

Từ vùng quê nghèo, người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", làng Quan Độ nay "lột xác" với loạt biệt thự mọc san sát nhờ nghề "xẻ thịt" đủ loại phế liệu như tên lửa, máy bay,...

Làng "đại gia đồng nát", biệt thự "mọc" kín đường

Cách Hà Nội chừng 30km, làng Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được nhiều người biết đến với nghề thu mua, xử lý đủ loại phế liệu, từ dây điện, vỏ lon bia,... đến cả máy bay, tên lửa, xe tăng.

Trước kia, người dân trong làng chủ yếu canh tác nông nghiệp, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Khoảng 30 năm trở lại đây, họ chuyển sang buôn đồng nát, mày mò "xẻ thịt" đủ loại phế liệu to nhỏ khác nhau, nhờ đó có của ăn của để. Còn vùng quê nghèo, kinh tế vốn không phát triển thì nay cũng "lột xác" thành mảnh đất "hễ ra đường lại gặp đại gia".

Theo ghi nhận của PV Dân trí, ngay từ đầu làng Quan Độ, dọc hai bên đường chất đầy những cuộn cáp cao quá đầu người, những bãi phế liệu nhôm, sắt thép cao như núi,... và cả chục chiếc xe cẩu nặng vài tấn đang tấp nập "ăn" hàng.

Đặc biệt ở giữa làng, đường đi chỉ chừng 1-2km nhưng có nhiều con ngõ, ngách nhỏ "vắt ngang" với loạt biệt thự, nhà cao tầng mọc san sát nhau. Trong sân nhà hay mặt đường, những chiếc xe sang các hãng Lexus, BMW, Camry,... cũng nhiều không đếm xuể.

Lang
Dọc đường làng Quan Độ là những công xưởng, kho thu mua phế liệu được bọc tôn kín mít (Ảnh: Minh Hải).
 Lang
Số lượng những công trình bề thế ở đây đếm không xuể, từ nhà 4-5 tầng cho đến các lâu đài nguy nga như trời Tây (Ảnh: Minh Hải).

Qua chỉ dẫn của người địa phương, phóng viên tìm đến gia đình bà Nghiêm Thị Th. (55 tuổi) đã có hơn 30 năm kinh doanh trong lĩnh vực thu gom, xử lý phế liệu.

Từ khu vực cổng, dọc hai bên đường mặt tiền nhà cho đến khoảng sân rộng cả trăm mét vuông của gia đình bà Th. đều chất đầy các mặt hàng phế liệu như dây điện, mô-tơ, quạt máy, điều hòa,...

Ngoài các món đồ đã được phân loại thành từng nhóm, chuẩn bị bán cho các cơ sở tái chế, bãi phế liệu của hộ dân này còn nhiều thiết bị, máy móc kích cỡ "khủng" giữ nguyên bản để "sang tay" khách với giá cao hơn thông thường.

Lang
Một góc chất đầy đồ đồng nát trong kho xưởng thu gom phế liệu tại gia của vợ chồng bà Th. (Ảnh: Minh Hải).
 Lang
Những món phế liệu đã được "mổ xẻ" và phân loại thành từng nhóm đồng, nhôm, sắt vụn,... (Ảnh: Minh Hải).

Chia sẻ với PV Dân trí, bà Th. cho biết đã "bén duyên" với nghề thu gom phế liệu từ năm 1990. Bà vẫn nhớ như in ngày hai vợ chồng "vét sạch" tiền để mua lô hàng phế liệu "khủng" đầu tiên, giá 20 triệu đồng cách đây hơn 30 năm.

"Lúc đó chủ yếu dùng tiền mệnh giá 2.000 đồng, tôi gom đầy một nón, đựng không xuể rồi mang ra bãi đỗ gần nhà để mua lô hàng phế liệu đó. Đường đi chỉ 100-200 mét nhưng sình lầy, trơn trượt. Hai vợ chồng dùng xe cải tiến, chật vật vận chuyển suốt từ sáng đến đêm mới hết hàng", chị Th. nhớ lại.

Vụ làm ăn này, tuy mới vào nghề nhưng vợ chồng chị đã kiếm được lãi gấp vài lần nhờ "mổ xẻ" đủ các thể loại phế liệu, nhiều nhất là máy thông tin liên lạc hay vỏ máy bay, xe tăng,...

"Thời đó khó khăn, hai vợ chồng lấy nhau và kiếm sống bằng nghề buôn gạo, lời lãi chỉ có 1.000 đồng/ngày. Lúc ấy đi làm chỉ mong kiếm được vài cân gạo về nấu ăn qua ngày cũng đã mừng lắm.

Nhưng khi chuyển sang làm thu mua và "mổ xẻ" phế liệu, chúng tôi mới biết cảm giác lời lãi thực sự thế nào. Chuyến hàng đầu gom chung với người quen, mua lô phế liệu 150.000 đồng rồi mang về lọc, phân loại và bán, chúng tôi vừa hoàn vốn, vừa thu lời, mua được cả chỉ vàng thời bấy giờ", người phụ nữ U60 kể.

Lang
Máy móc, thiết bị cỡ "khủng" nằm phơi mình dọc hai bên đường quanh khu vực nhà bà Th. (Ảnh: Minh Hải).
 Lang
Từ dây điện, mô-tơ, quạt máy,... cho đến điều hòa, máy bơm,... đều được thu mua và đem xử lý, phân loại kỹ càng trước khi bán (Ảnh: Minh Hải).

Theo bà Th., gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn Quan Độ trước đây chủ yếu làm nông nghiệp. Tuy nhiên, nghề thu mua phế liệu đã tạo nên một diện mạo mới cho làng quê này từ khoảng những năm 1990.

Ban đầu chỉ có một vài hộ thu mua máy móc thanh lý về mổ, xẻ, phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề tái chế nhôm, đồng… Dần dần, họ mở rộng kinh doanh, có người còn lặn lội từ Bắc chí Nam để tìm kiếm các mặt hàng phế liệu "khủng" như xác tàu hỏa, xác máy bay,... hay động cơ xe tăng, tên lửa,...

Người phụ nữ này cho hay, để kinh tế phát triển, có của ăn của để từ việc buôn đồng nát thì không thể phụ thuộc được vào vài ba lon bia, chai nhựa hay đồ cũ hỏng vứt đi.

Lang
Đang mùa "ế" nên đống phế liệu "thập cẩm" chất đầy sân nhà bà Th. vẫn chưa có người hỏi mua (Ảnh: Minh Hải).

Đa số các đại gia ở làng Quan Độ đều phải cất công đi tìm và "săn" các lô hàng lớn như tàu hỏa, máy bay, xe tăng, tên lửa hay các loại máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, cáp điện,...

Đến nay, thôn Quan Độ hiện có gần 800 hộ dân, trong đó có khoảng 100 hộ làm đầu mối thu mua phế liệu và 30-40 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này.

So với làm nông nghiệp, nghề thu mua, phân loại phế liệu đã đem lại nguồn thu lớn cho bà con, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống.

Nghề "mổ xác", lấy "nội tạng" tên lửa, máy bay

Chỉ tay vào đống phế liệu ngổn ngang khắp sân nhà, bà Th. bảo, khoảng chục năm về trước, nếu ai đến làng Quan Độ thì không khó bắt gặp cảnh xác máy bay to, tròn, dài trải ngổn ngang.

Từ MiG 19, MiG 21 đến IL18, cái thì đã xẻ vỏ, chỉ trơ lại động cơ, cái thì còn nguyên buồng lái hay phơi bụng trắng lốp như những con cá khổng lồ,...

Lang
Bà Th. cho biết, khoảng chục năm trước, người Quan Độ "săn" được rất nhiều vỏ tàu thủy, xác máy bay hay động cơ xe tăng,... Nhưng vài năm trở lại đây, các loại hàng phế liệu đó càng khan hiếm, họ chủ yếu thu mua đồ gia dụng cũ hỏng, dây cáp điện hay thiết bị vật tư, y tế,... (Ảnh: Minh Hải).

Thời điểm đó, việc người dân trong làng thường xuyên thu mua được xác máy bay, tên lửa, xe tăng,... là bình thường. Tuy nhiên sau này, khi công nghệ máy móc phát triển, các mặt hàng trên ít được thanh lý hơn nên hiếm ai "săn" được đồ cổ hay đồ "khủng" nữa.

"Ngày trước, máy thông tin liên lạc, động cơ máy, mô-tơ,... hay các phương tiện cỡ lớn như tàu hỏa, máy bay, xe tăng, thủy phi cơ,... được thanh lý rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mua được một phần hoặc bộ phận nào đó chứ không "săn" được nguyên chiếc.

Thậm chí, có lúc may rủi, chúng tôi còn kiếm được đồ cổ và những mẻ vàng, bạch kim rất giá trị trong những lô phế liệu trên. Bây giờ những mặt hàng đó rất hiếm, chủ yếu là phế liệu thu gom từ dây cáp điện, điều hòa, máy phát điện cũ hỏng hoặc xe kéo, máy biến áp,... giá trị không cao bằng", bà Th. nói.

Chủ xưởng thu gom phế liệu này cũng tiết lộ, thời gian đầu mới theo nghề, vợ chồng bà phải tốn nhiều thời gian, công sức để mày mò, xử lý các loại hàng thải. Có những máy móc nặng chừng 3, 4 tạ nhưng hai người loay hoay cả tuần vẫn không biết "mổ xẻ" thế nào.

Lang
Một chiếc xe kéo "khủng" được bà Th. thu mua gần đây. Thay vì "mổ xẻ", bà giữ nguyên rồi bán cho khách có nhu cầu để được giá cao (Ảnh: Minh Hải).

Theo bà Th., những cái xác máy bay trông rất đồ sộ nhưng vỏ làm bằng nhôm nên bán chẳng được bao tiền. Chỉ khi "mổ xẻ" phần động cơ hay đầu máy bay, trong đó có những dây dẫn, giắc cắm và một số bộ phận khác không được gọi bằng tên thông thường chứa nhiều hợp kim khá đắt tiền thì đem bán mới được lãi.

Thỉnh thoảng trong những lô hàng phế liệu thu mua được, vợ chồng bà Th. lại phát hiện ra một số món đồ cổ, bán cho những người đam mê có nhu cầu sưu tầm.

"Những mặt hàng phế liệu khi mua ở ngoài chỉ vài chục nghìn đồng mỗi cân, thậm chí mua đấu giá còn rẻ hơn nhưng mang về, đem lọc ra cũng có thể bán được cả trăm nghìn/kg đối với đồng, nhôm thì 35.000 đồng/kg, loại đẹp có giá 65.000 đồng/kg.

Còn sắt, nhựa rẻ nhất, chỉ 10.000 - 30.000 đồng mỗi cân. Riêng bạch kim, thiếc, niken hay đồng đỏ thì giá trị cao hơn nhiều nhưng giờ hiếm khi chúng tôi gom được", chủ xưởng phế liệu chia sẻ.

Lang
Bà Th. kể, nghề thu gom phế liệu "ăn" nhau ở độ thính nhạy và khả năng cân đong đo đếm xem khối lượng để phát giá. Họ chỉ cần nhìn sơ qua con tàu, chiếc xe tăng, đống máy biến thế... là có thể biết nó nặng bao nhiêu cân và nắm chắc rằng nếu "ăn" lô hàng đó sẽ lãi được bao nhiêu (Ảnh: Minh Hải).
 Lang
Sắt là loại phế liệu có giá thành rẻ nhưng vẫn được các chủ xưởng thu gom đều vì "cứ có lãi là mua hết" (Ảnh: Minh Hải).

Người phụ nữ này nói thêm, đợt nào "trúng đậm", mua được lô hàng có những cuộn cáp còn mới chưa dùng hay máy móc còn hoạt động tốt thì họ đem sửa chữa lại rồi bán với giá như hàng tiêu dùng. Nhờ đó họ cũng thu được khoản lời lãi cao gấp vài lần ngày thường.

Ông Nghiêm Văn D. từng có nhiều năm làm nghề thu gom phế liệu tại thôn Quan Độ cho biết, "mổ xác" máy bay, tên lửa hay xe tăng chưa là gì.

Người Quan Độ đã từng phá nhiều thứ "khủng" hơn thế như tàu biển, cầu phà, nhà máy,...

Với những đống sắt vụn đồ sộ từ tàu hỏa, xe tăng, tàu chiến, máy bay,... họ sẽ đem lọc riêng vỏ và "nội tạng", phân loại thứ nào ra thứ đó. Sắt vụn sẽ được đem bán cho làng Đa Hội hoặc các nhà máy gang thép ở Thái Nguyên, Hải Phòng. Nhôm được vận chuyển sang làng nghề Mẫn Xá bên cạnh. Còn các dây đồng, linh kiện, bu lông, ốc vít, máy móc, mô-tơ thì bán cho người cần mua.

Theo ông D., gọi là phế liệu nhưng chẳng có gì vứt đi cả, thứ nào cũng có thể bán ra tiền. Không chỉ những loại phế liệu "hạng sang" như máy bay, tàu chiến, xe bọc thép,... mà cả lon bia, hộp sắt, chai nhựa,... đều được thu mua hết. Cứ cái gì bán có lãi đều được thu gom sạch.

"Nói "mổ xác" máy bay, tên lửa nghe oai nhưng thực tế, các khí tài quân sự cũ trước khi được thanh lý đã bị vô hiệu hóa hết nên chỉ mua được phần vỏ rách bươm, méo mó mà thôi. Nhìn chung, nếu là đồ phế liệu thì chúng tôi mua hết, chắc chỉ còn tàu vũ trụ là chưa mua bao giờ thôi", ông D. hài hước nói.

Lang
Để "phất lên" nhờ nghề thu mua phế liệu, người làng Quan Độ phải mất thời gian dài mày mò. Không ít lần họ gặp "cú lừa", mua phải những món hàng "dởm" như bình ắc quy đổ xi măng, lốp xe đầy gạch,... (Ảnh: Minh Hải).

Người đàn ông này kể, trước đây trong làng có một đại gia buôn phế liệu từng rước được cả đoàn tàu hơn chục toa và một đầu máy hơi nước về làng để "xẻ thịt" và trúng lớn từ vụ đó.

Riêng ông D. cũng từng "xử" không ít loại phế liệu "khủng" như bộ chân vịt nặng 25 tấn, thuê thêm 3 người cùng làm mà kỳ công "mổ xẻ" cả năm chưa xong. Lần khác, ông còn mày mò tháo quả hơi dùng để đẩy tên lửa, mất một ngày mới xì hết hơi trước khi phá làm sắt vụn.

"Để xử lý được những loại phế liệu cỡ lớn như vậy, người làng Quan Độ phải tốn không biết bao nhiêu thời gian và công sức nghiên cứu, mày mò. Ngày ấy, đồ nghề "mổ xẻ" không có nhiều, lại đơn sơ lắm nên ai có gì dùng nấy, có khi chỉ là chiếc tua-vít 2 cạnh, 4 cạnh thôi nên phá mãi không được.

Có những bộ máy móc nặng vài tạ nhưng mấy tháng trời không ai biết cách phá ra sao nhưng đến khi làm xong mới thấy đơn giản quá", ông D. bộc bạch.

Thu nhập cao đánh đổi bằng sức khỏe

Bà Th. bảo, công việc kinh doanh phế liệu cũng có lúc "ế", nhất là tháng 4, tháng 7, tháng 8 thường gặp tình trạng chậm hàng, người mua ít. Còn dịp gần Tết, các công ty, xí nghiệp thanh lý, dọn đồ cũ nhiều, các chủ xưởng phế liệu lại tấp nập đi "săn".

"Dịp cao điểm, nhà tôi đổ phế liệu kín sân, chất cao tới sát mái tôn, chỉ chừa chỗ trống nhỏ làm lối đi lại. Lúc ấy, hai vợ chồng tôi làm không xuể, phải thuê thêm vài nhân công hỗ trợ cùng, xử lý từ sáng đến đêm muộn mới kịp có đủ hàng đem bán", bà Th. cho biết.

Lang
Nghề thu mua phế liệu giúp cuộc sống người dân Quan Độ trở nên khấm khá, giàu có hơn nhưng phải đánh đổi bằng sức khỏe hay nguy cơ ô nhiễm môi trường,... (Ảnh: Minh Hải).

Người phụ nữ này thừa nhận, so với làm nông nghiệp, nghề thu gom phế liệu mang lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác trong làng. Tùy theo thị trường, khi giá cả các loại phế liệu tăng thì khoản lãi thu được từ việc buôn đồng nát cũng cao hơn.

Trung bình mỗi tháng, thu nhập từ nghề kinh doanh phế liệu của gia đình bà Th. đạt khoảng 20-25 triệu đồng, còn lúc cao điểm có thể kiếm được gấp đôi con số trên.

Bà Th. chia sẻ, nghề thu gom phế liệu có thể tạo thu nhập ổn định, thậm chí cao nhưng phải đánh đổi thời gian, công sức và cả sức khỏe. Hàng ngày, những người phân loại, "mổ xẻ" phế liệu phải làm việc trong môi trường nóng nực, khói bụi và nhiều dầu mỡ. Chưa kể tình trạng rác thải tràn lan gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người.

"Nhiều năm trước, khi chưa có đồ bảo hộ chuyên dụng như găng tay hay máy móc hiện đại, chúng tôi phải trực tiếp xử lý, phá dỡ phế liệu hoàn toàn thủ công nên da tay thường bị bỏng rát, ngứa phồng rộp do tiếp xúc với đủ loại vật liệu, chất độc hại. Bây giờ thì đồ đạc, thiết bị đầy đủ, tiện nghi hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả khi bám nghề", bà Th. giãi bày.

Theo Thảo Trinh/ Dân Trí