Chúng tôi đến làng Nước Chạch khi ở đây đang diễn ra một “ngày hội” lớn của người H're. Đó là săn dơi. Không khí ấy vẫn còn và kéo dài đến hết mùa mưa. Họ đang quây quần bên ché rượu uống thâu đêm với một món mồi duy nhất là thịt dơi.
Kỳ tích hang dơi
Ngôi làng Nước Chạch ẩn mình dưới chân núi Brăng (thuộc xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), nơi có một hang động lớn, hằng năm vào mùa mưa dơi tập trung về hang trú ngụ. Lúc dơi về đông nhất, già làng cúng làm lễ rồi già trẻ, gái trai, gần như cả làng mang gùi vào hang săn dơi về làm thức ăn. Họ đi đông như ngày hội khi mùa đã gặt xong...
|
Lưới dùng để săn dơi. Ở làng Nước Chạch nhà nào cũng có lưới săn dơi. Ảnh: Trường Đăng. |
Cách làng nửa ngày đường đi bộ, trở năm lần rựa là tới hang động dơi. Già làng kể lại, trước kia, thời ông nội của ông có một người miền xuôi đi lạc vào rừng. Thời ấy cọp, beo nhiều người này tìm nơi để ẩn nấp thì lạc vào một hang động. Hang này rất kỳ lạ, cứ như một đường hầm thông suốt, đông đảo loài thú về đây sinh sống, trú ngụ.
Đặc biệt nhất là dơi núi, hang như một thiên đường để loài dơi về đây quần tụ, chúng bám dày đặc trên vách hang. Vì đói, ông bắt dơi nướng ăn. Không ngờ thịt dơi ăn rất ngon, ông bắt mang theo làm lương thực tìm đường về.
Người miền xuôi này gặp dân trong làng đi làm nương trên núi Brăng, họ chỉ cho ông đường về sau một thời gian dài sống quanh quẩn hang dơi.
Để cảm ơn, ông dẫn họ chỉ hang và chỉ họ hưởng nguồn lương thực vô tận trong hang động. Từ đó, năm nào làng cũng tổ chức vào hang bắt dơi và coi đó là món ăn đặc biệt của làng.
Hang dài khoảng một km, rộng bằng dãy nhà rông chạy thông từ núi Ba Bò đến đỉnh Brăng. Trong hang rất tối, chỉ có hai cửa ở hai đầu, thỉnh thoảng có vài cái giếng sâu thăm thẳm thông với dòng sông Re.
Nếu lỡ chân rơi xuống giếng ấy thì thân xác sẽ được đưa xuống làng trước khi đi bộ về kịp. Đây là nơi dơi núi trú ngụ rất đông, mùa nào mưa nhiều chúng về chật cả hang.
Người dân cho biết, trong đàn dơi có hai con dơi chúa, to bằng con gà, lông màu trắng, ở chân có đeo vòng (có thể bằng vàng hoặc bằng đồng). Từ thời ông cha mình đến nay, ai bắt được con dơi này thì phải thả, không được giết thịt. Đó là ông tổ của đàn dơi, rất linh thiêng.
Để đi được tới hang dơi phải băng qua hai ngọn đồi, nhiều con suối, sông và thác. Đi bắt dơi phải đi vào lúc mưa to nhất, khi nước các con suối lên cao. Có những dòng suối muốn qua được phải giăng dây làm cầu hay cả làng nắm tay nhau cùng lội. Băng qua những con nước dữ, đu mình qua vực thẳm, những người H're đi bắt dơi như những người dơi vắt mình qua vách núi.
Món ăn đặc sản giàu dinh dưỡng của dân làng
Mỗi năm duy nhất có một lần, làng tổ chức vào hang săn dơi. Phạm Văn Trót, mới 22 tuổi nhưng đã thâm niên 8 lần đi săn dơi tâm sự: “Thích lắm, ngày đi bắt dơi là vui nhất. Bọn con trai, con gái ai cũng thích, cái bụng nó rạo rực mấy ngày khi già làng chuẩn bị cúng thân”.
|
Sau khi thui xong, thịt con dơi sẽ được dân làng săn dơi Nước Chạch trộn với cơm nóng cùng với muối bỏ vào ché làm mắm. Ảnh: Trường Đăng. |
Cúng thân là nghi lễ bắt buộc phải có trước khi làng đi bắt dơi. Già làng rước thầy về cúng giữa làng trước ngày đi. Nhà nào đi bắt dơi thì tập trung lại nghe dặn dò và cầu nguyện để tránh gặp nạn, bắt được nhiều dơi. Sau lễ cúng, họ kiêng cữ để giữ sạch mình như không đi ra ngoài, không uống rượu, vợ chồng phải ngủ riêng…Sự linh thiêng và hiểm trở của hang dơi đã tạo cho người dân một thói quen cẩn trọng nên việc cúng tế là nghi lễ không thể thiếu.
Ngày đi được định trong ngày cúng. Tờ mờ sáng, gần như cả làng, già trẻ gái trai ai có sức đều đi, cả trăm người mang gùi, lưới, vác rựa kéo nhau băng suối, trèo thác đến hang dơi. “Có mùa nào Trót hoặc thanh niên ở đây không đi không?”, “Không có đâu, ai cũng đi hết, có sức là đi. Mình không đi thì bị làng chê “cái bụng mày chỉ biết ăn mà không biết đi, bị chê là lười mọi người không cho ăn dơi đâu”.
Mắm dơi là món ăn độc đáo của làng Nước Chạch. Dơi bắt về làm thịt, nướng nhẹ rồi trộn với cơm hoặc bắp vừa nấu xong còn nóng với một ít muối rồi bỏ vào ché đậy kín. Cách muối mắm này có thể để dành thịt được khoảng 3 tháng. Khi ăn chỉ cần lấy dơi ra rồi xào nấu hoặc nướng, mùi thịt dơi vẫn còn giữ nguyên: thơm, ngon.
Không ai nói, nhưng đi săn dơi là biểu thị sức mạnh của làng, của từng nhà, từng cá nhân, nhất là trai tráng. Chặng đường đến hang là sự thử thách. Những chàng trai lấy chuyến đi săn dơi đầu tiên để đánh dấu sự trưởng thành như con gà mới mọc cựa; người thì lấy chuyến đi cuối cùng để biết sự già nua như heo rừng đã rụng răng nanh. Năm nào làng đi đông, bắt được nhiều dơi thì năm đó được mùa, ít đau ốm.
Đến hang dơi, một số người khỏe mạnh vác đá dội, chắn một cửa hang. Âm thanh trong hang vang, dội đi dội lại cùng tiếng hò reo vang lên náo động cả núi rừng. Đàn dơi thả cánh bay ra cửa. Ở đó lưới đã giăng. Khi những gùi đầy, mặt trời đã ngả bóng, họ làm thịt một vài con dơi to nhất cúng giàng (trời), cúng tổ dơi rồi mới ra về.
Dơi bắt về nhiều, làm thịt ăn trong mấy ngày, phần còn lại ăn không hết đem phơi khô hoặc làm mắm để giành ăn lâu hơn. Ông Phạm Văn Carốc vừa nướng thui xong rổ thịt dơi, cho biết: “Cái này làm mắm để giành được vài tháng. Khi nào đến mùa gặt là lấy ra ăn”. Ông chỉ tay về phía cánh đồng bậc thang trèo lên các chân núi, lúa non vừa mới nảy lá mầm. Họ sạ lúa xong là đi bắt dơi và ăn hết một mùa gặt.
Những ngày này làng như ngày hội. Tụm năm tụm bảy, họ mang ché rượu cần ra uống cùng món thịt mà theo họ là ngon nhất. Nhà nào già yếu không có người đi săn thì họ đem tới chia sẻ, người gói lại làm quà gởi cho khách quí. Miếng thịt này ngon còn ở cái nghĩa tình làng xóm, họ quân quần kể những chiến tích cho trẻ con nghe, để chúng lớn lên cứ thế nối bước vào hang dơi.
Một năm chỉ có một mùa: mùa săn dơi, mùa ăn dơi. Lủng lẳng trên những bếp lửa trong nhà rông là những xâu dơi còn nguyên, họ lấy lạt xiên những con dơi đã thui vàng treo lên giàn bếp làm thịt hun khói; bên cạnh là những ché rượu cần xen lẫn ché thịt dơi làm mắm để dành. Người làng Nước Chạch lấy bếp biểu thị sự giàu có, sự hưng thịnh. Người giàu nhất là người có nhiều thịt dơi nhất.
Một cán bộ văn hóa xã Ba Xa cho biết: “Săn dơi là một hoạt động săn bắt đặc biệt lâu dần trở thành nét văn hóa đặc trưng của làng. Ngoài việc tìm kiếm lương thực ăn trong mùa mưa khi làm rẫy, họ còn thể hiện gắn kết, sức mạnh cộng đồng và tình yêu thương”.
Theo Trường Đăng /Báo Gia Lai