Năm Đinh Dậu 2017 đã qua, hãy cùng nhìn lại mức biến động tài sản của các lãnh đạo ngân hàng niêm yết thông qua lượng cổ phiếu họ nắm giữ.
Dẫn đầu trong nhóm các tỷ phú ngân hàng hiện nay là ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank. Ông Dũng đang nắm giữ 70,257 triệu cổ phiếu VPB, giá trị cổ phiếu do ông nắm giữ đến thời điểm cuối năm Đinh Dậu là 3.688 tỷ đồng, tăng 948 tỷ đồng (34,6%) kể từ khi VPB niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào tháng 8/2017.
|
Việc VPBank niêm yết đã đưa gia đình ông Ngô Chí Dũng trở thành gia đình quyền lực nhất trong giới ngân hàng. |
Nếu tính cả lượng cổ phiếu do vợ và mẹ ông nắm giữ tại VPBank, gia đình ông Ngô Chí Dũng xứng đáng là gia đình quyền lực nhất trong giới ngân hàng với tổng lượng 204,732 triệu cổ phần. Tổng giá trị số cổ phần này ở thời điểm hiện tại lên đến 10.748 tỷ đồng, tăng 34,6% kể từ khi VPBank niêm yết.
Cụ thể, bà Hoàng Anh Minh, vợ của ông Ngô Chí Dũng nắm giữ 68 triệu cổ phần tại VPBank, tương đương giá trị 3.565 tỷ đồng; bà Vũ Thị Quyên, mẹ đẻ ông Dũng nắm giữ 55,557 triệu cổ phần, tương đương giá trị 3.500 tỷ đồng.
Đứng sau “gia đình VPBank” là “gia đình VIB” do ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng VIB đứng đầu. Ông Đặng Khắc Vỹ đang sở hữu 28,163 triệu cổ phiếu VIB với tổng giá trị 848 tỷ đồng, tăng mạnh 78% trong năm Đinh Dậu.
Trong khi đó, vợ ông Vỹ là bà Trần Thị Thảo Hiền đang sở hữu 27,939 cổ phần tại VIB, tổng giá trị cổ phiếu của bà Hiền là 841 tỷ đồng. Ông Đặng Quan Tuấn, con trai ông Vỹ, nắm giữ 27,65 triệu cổ phần VIB, tương ứng giá trị cổ phần 832,543 tỷ đồng.
Tính chung, tổng giá trị cổ phần của gia đình ông Vỹ tại VIB là 83,762 triệu cổ phần với tổng giá trị 2.521 tỷ đồng. Riêng trong năm Đinh Dậu, tổng tài sản của gia đình ông Đặng Khắc Vỹ tăng thêm 1.105 tỷ đồng (78%).
Đứng sau hai nhóm gia đình quyền lực nói trên là ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB. Ông Huy hiện nắm giữ 28,772 triệu cổ phần tại ACB, tương đương giá trị ở thời điểm hiện tại là 1.148 tỷ đồng, tăng 469 tỷ đồng (69%) trong năm Đinh Dậu (tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm Đinh Dậu là 02/02/2017).
|
Doanh nhân trẻ Trần Hùng Huy, Chủ tịch ACB. |
Tiếp đến là “bố già” Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB). Ông Minh sở hữu 62,569 triệu cổ phần STB, tương đương giá trị 935 tỷ đồng. So với đầu năm Đinh Dậu, giá trị cổ phiếu STB đã tăng thêm 46% nên giá trị của lượng cổ phiếu trên cũng tăng thêm 297 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Dương Công Minh mua cổ phiếu STB rải rác trong suốt 1 năm qua, đến tháng 12/2017 ông vẫn tiếp tục mua vào cổ phiếu STB để có được lượng cổ phiếu như hiện tại.
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Ông Hiển đang nắm giữ 33 triệu cổ phiếu SHB, tổng giá trị là 403 tỷ đồng, tăng mạnh 244 tỷ đồng do cổ phiếu SHB có mức tăng 154% trong năm Đinh Dậu.
Nếu xét về tỷ lệ, “bầu” Hiển mới là người có mức tăng trưởng tài sản ấn tượng nhất trong số các lãnh đạo ngân hàng.
Xếp sau đó là ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng Giám đốc HDBank. Với việc sở hữu 26 triệu cổ phần HDB, tài sản của ông Đặng đến thời điểm này là 1.166 tỷ đồng, tăng 131 tỷ đồng (12%) chỉ trong một thời gian rất ngắn, 05/01/2018, là thời điểm HDB chính thức lên sàn.
Một lãnh đạo ngân hàng nổi tiếng khác là ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank (LPB). Ông Hưởng sở hữu 33,554 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 489 tỷ đồng trước thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Như vậy, tài sản của ông Hưởng tại LPB đã tăng 13 tỷ đồng (3%) kể từ thời điểm ngân hàng này niêm yết cổ phiếu ngày 05/10/2017.
Ngoài ra, trong nhóm các lãnh đạo ngân hàng niêm yết còn có bà Trần Thị Thoảng, một nữ doanh nhân kín tiếng và đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bắc Á (BAB). Bà Thoảng hiện sở hữu 16 triệu cổ phiếu BAB, tương ứng giá trị 363 tỷ đồng, giảm 5,4 tỷ đồng (1%) so với thời điểm ngân hàng này niêm yết cổ phiếu vào ngày 28/12/2017.
Theo Ngân Giang/Infonet