Lãnh đạo nhận lương “khủng”, Sữa Hà Nội vẫn nợ bảo hiểm

Google News

Công ty CP Sữa Hà Nội nợ tiền bảo hiểm lên tới 16,1 tỷ đồng, tương đương 20 tháng chậm đóng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn duy trì hoạt động kinh doanh có lãi và chế độ lương, thưởng của lãnh đạo khá cao.

Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) trong tháng 5/2024.
Trong danh sách này, Công ty CP Sữa Hà Nội (HanoiMilk - HNM) có địa chỉ đăng ký tại Km 9, Bắc Thăng Long Nội Bài, KCN Quang Minh, Mê Linh (Hà Nội) nợ số tiền nợ bảo hiểm lên tới hơn 16,1 tỷ đồng, tương đương 20 tháng chậm đóng.
Dù nợ bảo hiểm, nhưng Sữa Hà Nội vẫn duy trì hoạt động kinh doanh có lãi và chế độ lương, thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp này khá cao.
Báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sữa Hà Nội đạt hơn 132,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 22,5 tỷ đồng, và lãi ròng hơn 6 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2023, Sữa Hà Nội cũng ghi nhận đạt doanh thu 704 tỷ đồng và lãi ròng 33,6 tỷ đồng.
Lanh dao nhan luong “khung”, Sua Ha Noi van no bao hiem
Kết quả kinh doanh quý I/2024 của  Sữa Hà Nội.
Trong năm 2023, chế độ lương thưởng của lãnh đạo Sữa Hà Nội khá cao. Cụ thể, bà Vũ Thị Hương Thủy - Tổng Giám đốc, nhận hơn 1,1 tỷ đồng tiền lương và phụ cấp. Ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT, nhận 480 triệu đồng tiền phụ cấp. Các thành viên HĐQT khác như ông Ngô Kim Sơn và ông Nguyễn Duy Lên lần lượt nhận 654 triệu và 530 triệu đồng tiền lương, phụ cấp.
Sữa Hà Nội thành lập từ năm 2001 và chính thức hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm, công ty này cũng từng đứng trong hàng ngũ những 'ông lớn' của ngành sữa Việt Nam bên cạnh VinaMilk và Dutchlady.
Theo báo cáo thường niên năm 2023, Sữa Hà Nội có 275 người lao động.
Khánh Hoài (tổng hợp)