Nếu ai có dịp du lịch Bắc Giang, chắc hẳn không thể bỏ qua làng cổ Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang). Đây là ngôi làng nằm bên bờ sông Cầu quanh năm nhộn nhịp thuyền bè đi lại.
Bước chân vào làng, du khách dễ dàng cảm nhận cảnh vật quen thuộc của làng quê xưa với cây đa, giếng nước, sân đình và những nếp nhà cổ san sát, con ngõ nhỏ hun hút chỉ đủ một người đi.
|
Cổng làng cổ Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang)
|
Tuy vậy, ngôi làng này có điểm khá khác biệt với các làng quê Bắc bộ khác là hoàn toàn không có ruộng lúa. Bao đời nay, dân làng chủ yếu sinh sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp như: Sản xuất bánh đa nem, mỳ gạo, gốm, bánh đa vừng...
Với điều kiện thuận lợi về bến sông, các sản phẩm của dân làng đặt chân đến hầu hết các tỉnh thành lớn nhỏ trong cả nước.
Bên cạnh các làng gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội),
Thổ Hà cũng từng là một trong các trung tâm làm gốm cổ xưa nhất của người Việt. Nghề gốm ở đây phát triển rực rỡ từ thế kỉ 14 cho đến trước năm 1960.
|
Làng Thổ Hà nằm bên bờ sông Cầu
|
Dấu tích của nghề gốm còn sót lại là những bức tường xây bằng mảnh gốm vỡ, tiểu sành phế phẩm. Đặc điểm của các bức tường này là không dùng vôi vữa mà chỉ dùng bùn của sông Cầu để làm chất kết dính.
Làm ăn, giao thương với bên ngoài từ cách đây vài trăm năm, không khó hiểu khi Thổ Hà từng có nhiều thương gia sở hữu gia sản bề thế.
Hiện trong làng còn 15 ngôi nhà gỗ, tuổi đời từ 200 - 300 năm, chưa kể một số ngôi nhà mang kiến trúc Pháp xây đầu thế kỷ 20. Đó chính là minh chứng cho sự giàu có, trù phú xưa kia.
Trong số đó, có thể kể đến nhà cụ Trịnh Quang Dự và vợ là cụ Trịnh Thị Cuôm. Đến nay, con cháu của cặp vợ chồng này vẫn còn sinh sống ở làng.
|
Bà Tuyết - cháu dâu cụ Trịnh Quang Dự
|
Bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1960) - cháu dâu cụ Trịnh Quang Dự chia sẻ: ‘Ông nội chồng tôi sinh năm 1900, làm chánh tổng, quản lý 3 xã. Những năm đầu thế kỷ 20, gia đình cụ giàu nhất nhì làng Thổ Hà. Sự giàu có đó nhờ vào sự tháo vát, giỏi giang của hai vợ chồng với nghề thương nghiệp.
Ban đầu, cụ bà buôn vải vóc và gạo, thuê tàu bè chở hàng về Hà Nội và các tỉnh dọc sông Cầu bán. Người ta mua từng đấu gạo để ăn, cụ mua cả kho để buôn.
Khi bắt đầu có vốn lớn, vợ chồng cụ Dự đầu tư xây một loạt lò gốm, thuê hàng chục nhân công về làm’.
|
Một trong 3 căn nhà cụ Dự xây dựng
|
Tận dụng vị trí địa lý trên bến, dưới thuyền của làng, cụ Dự kết nối với người bạn tên Lang (Hải Dương), mở chi nhánh giới thiệu sản phẩm ở các tỉnh thành. Lượng gốm xuất ra lớn đến mức, tàu thuyền cập bến, chở gốm cho cụ Dự tấp nập suốt ngày đêm.
‘Tôi được người lớn bên nhà chồng kể, đất Thổ Hà không phù hợp làm gốm nên các cụ mua đất sét từ làng Chóa (Yên Phong, Bắc Ninh) và Xuân Lai (Bắc Ninh) về. Mỗi lần mua, phải vận chuyển bằng thuyền.
Loại đất sét này ít sạn, ít tạp chất, dễ tạo hình, định hình khi nung. Các sản phẩm gốm Thổ Hà có màu nâu sẫm, màu da lươn.
Đặc biệt, gốm ở đây không dùng men mà nung ở nhiệt độ cao, để sản phẩm tự chảy men ra. Gốm của Thổ Hà không bị mất màu do kỹ thuật nung tốt’, bà Tuyết nói.
Tiền làm ra đến đâu, vợ chồng cụ Dự tích cóp mua đất. Thời điểm hưng thịnh, hai vợ chồng sở hữu cả nghìn m2 đất.
Năm 1940, vợ chồng cụ Dự xây 3 căn nhà 2 tầng theo kiến trúc giao thoa văn hóa Pháp và Đông Dương trên mảnh đất hơn 200m2. Trải qua các giai đoạn thăng trầm, nhà vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị hư hại.
Bà Tuyết chia sẻ thêm: ‘Bố chồng tôi là Trịnh Quang Mùi - con trai duy nhất của cụ Dự. Bố chồng tôi sinh được 3 người con trai và 2 con gái. Chồng tôi là con trai thứ 2. Căn nhà gia đình tôi ở là 1 trong 3 căn nhà cụ Dự xây'.
Gia đình bà Tuyết vẫn duy trì phong tục, tập quán của cha ông như một nét văn hóa đẹp, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước.
Người phụ nữ này cũng cho hay, từ năm 1960 trở lại đây, làng Thổ Hà được biết đến với nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo.
Hàng năm, bà thường xuyên đón các đoàn khách Tây đến thăm quan làng cổ, nấu cho họ các bữa cơm dân dã, trải nghiệm cuộc sống địa phương, làm bánh đa và mỳ.
Ông Trịnh Quanh Việt (chồng bà Tuyết) tiếp lời vợ: 'Gia đình tôi cũng có xưởng sản xuất bánh đa nem, mỳ gạo nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Mỗi tháng nhà tôi đón khoảng chục đoàn khách lớn, nhỏ'.
Chia tay vợ chồng bà Tuyết, chúng tôi gặp bà Hà - một người dân khác của Thổ Hà. ‘Nhờ nghề làm bánh đa nem dân làng có một cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên đây là công việc vất vả, đặc biệt là khâu phơi phóng sau khi sản xuất. Nắng thì không sao nhưng mưa thì người dân chạy tất tả để thu gom bánh đa, mỳ đang phơi dở ngoài trời.
Ông Trịnh Quang Liêm - phó thôn Thổ Hà thông tin với VietNamNet: 'Tổng số cả thôn có khoảng 1000 khẩu. Trong đó, 70% là sản xuất bánh đa, còn lại là chạy chợ, làm bánh tẻ, buôn bánh đa, mỳ gạo đi các tỉnh.
Mặc dù có nhiều nhà cổ giá trị cả về mặt văn hóa, lịch sử, chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch nhưng đến nay, các hoạt động chỉ mang tính tự phát, chưa bài bản. Duy nhất nhà ông Trịnh Quang Việt là hoạt động theo hướng du lịch cộng đồng.
Về lâu dài, nhân dân Thổ Hà cũng như địa phương rất mong muốn nhà nước có chính sách nào đó, giúp thúc đẩy mảng du lịch - dịch vụ, cải thiện đời sống kinh tế cho bà con'.
Theo Diệu Bình - Ngọc Trang/Vietnamnet