Rảo nhanh quanh ao, vung từng nắm bột rải cho tôm ăn, áo ông Mã Văn Thuyên (thôn 6 Thanh Lãng, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ướt đẫm mồ hôi.
Bén duyên với nghề nuôi tôm quảng canh từ năm 30 tuổi, ông Thuyên hiểu hơn ai hết những khó khăn với nghề này.
|
Ông Mã Văn Thuyên, ở thôn Thanh Lãng, xã Nga Thạch thành công với mô hình nuôi tôm công nghiệp (Ảnh: Hạnh Linh). |
Ông Thuyên nhớ lại, năm 2012, vụ tôm đang đến kỳ thu hoạch bỗng nhiên gặp bão lớn. Cánh đồng tôm của gia đình bỗng chốc trở thành biển nước mênh mông. Tiền bạc, gia sản trôi đi theo dòng nước lớn.
Rồi có đợt, thả cả tạ tôm giống được mấy ngày thì nguồn nước đổi màu đen, bốc mùi hôi thối, cả nhà ông thay nhau be bờ, thay nước cho tôm vẫn không cứu được. Tôm chết trắng, nổi bồng bềnh.
Nếm đủ rủi ro với nghề nuôi tôm quảng canh, không muốn mãi phụ thuộc vào thời tiết, năm 2020, ở tuổi 57, ông Thuyên quyết định "chơi lớn". Ông thuê máy móc, nhân công cải tạo lại 5ha ao, đầm thầu của UBND xã để chuyển đổi nuôi tôm công nghiệp.
Khởi nghiệp với cách làm mới ở tuổi gần 60 đầy mạo hiểm, nhiều người nói ông Thuyên liều lĩnh. Bởi ở tuổi này, ít người dám đánh cược với tôm, một loài khó nuôi, dễ ốm.
Nhưng ông Thuyên rất quả quyết. Ông bảo, nuôi tôm quảng canh năm được, năm không, chi phí đầu tư thấp, rủi ro cao. Đầu tư nuôi tôm công nghiệp tuy tốn kém nhưng phải mạo hiểm mới có cơ may đổi đời.
Ông Thuyên kể, sau 3 năm bắt tay làm tôm công nghiệp, gia đình đã đầu tư gần 2 tỷ đồng cho hơn 10 ao nuôi. Khi sử dụng hết vốn sẵn có, thiếu tiền mua thức ăn, nhập con giống, những chỗ có thể vay, ông Thuyên đều đã vay. Được cán bộ Hội nông dân xã phổ biến về vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn, ông Thuyên mạnh dạn làm đơn vay 100 triệu đồng.
Có tiền nhập con giống, tháng 3/2022, ông bắt đầu vụ tôm đầu tiên. Lứa nuôi kéo dài 4 tháng thì cho thu hoạch.
"Năm ngoái, tôi nuôi được 2 lứa, sau khi cất bán, trừ hết chi phí, gia đình thu về hơn 800 triệu đồng", ông Thuyên nói.
Năm 2023, gia đình ông Thuyên đã thu hoạch được một lứa tôm, lãi hơn 300 triệu đồng. Lứa thứ 2 mới thả giống được hơn 1 tháng. Theo ông Thuyên, nếu ao, đầm tốt, mỗi năm người nông dân có thể nuôi được 3 lứa tôm.
Với thâm niên 30 năm nuôi tôm, theo ông Thuyên, dù nuôi quảng canh hay công nghiệp thì người nuôi luôn lo lắng nhất là dịch bệnh, tôm rất dễ chết hàng loạt. Vì thế, ngoài kinh nghiệm nuôi thì cần trau dồi thêm kiến thức chuyên môn về nuôi trồng thủy hải sản.
Theo ông Thuyên, nuôi tôm chưa bao giờ phải lo tôm ế. Mỗi lần thu hoạch, thương lái đến tận nơi mua, thu hoạch đến đâu, bán hết đến đấy.
Giá tôm phụ thuộc vào kích cỡ to, nhỏ. Ở thời điểm hiện tại, tôm loại 40 con/kg có giá 180.000 đồng; loại 30 con/kg có giá 200.000 đồng. Vào dịp lễ, Tết, giá tôm mỗi loại tăng 20.000-40.000 đồng/kg.
|
Mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Thuyên được đầu tư rất quy mô, bài bản (Ảnh: Hạnh Linh). |
Để chăm sóc các ao tôm, ông Thuyên đang duy trì 7 lao động chính là thành viên trong gia đình. Vào thời điểm thu hoạch, ông thuê thêm 10 lao động thời vụ. Mỗi lao động thời vụ được trả công 280.000-300.000 đồng/ngày.
Ông Mã Văn Chí, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Nga Thạch cho biết, trên địa bàn có hàng chục mô hình nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Nhà ít cũng vài héc-ta ao nuôi, nhà nhiều 5-6ha. Với những nhà nuôi ít, hằng năm thu lãi vài trăm triệu đồng, còn hộ nuôi nhiều thì có ngay tiền tỷ trong tay.
"Hầu hết các hộ dân ở đây vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi, trong đó nuôi tôm là chủ yếu. Việc phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ làm thay đổi tập quán nuôi tôm truyền thống, nhiều rủi ro mà còn tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương", ông Chí cho biết.
Theo Hạnh Linh/Dân Trí