Chỉ vào khoảng sân rộng mênh mông phơi đầy những hạt màu đỏ tươi đẹp mắt, anh Hoàng Văn Giang – trú tại xã Thượng Cốc (Lạc Sơn, Hòa Bình) cho biết, đó là thứ gia vị rừng đặc trưng của xứ Mường quê anh. Thời điểm mất mùa, khan hiếm, loại hạt này được lùng mua với giá lên đến 3 triệu đồng/kg mà không có để bán.
“Bố mẹ tôi quê gốc ở Nam Định nhưng lên Hòa Bình làm kinh tế mới từ khi tôi còn nhỏ. Lớn lên, đi học rồi đi làm công nhân cơ khí sông Đà nhưng trong lòng vẫn xót xa khi nhìn hàng chục ha đất bỏ hoang không ai làm nên tôi quyết định về hưu sớm để trồng cây”, anh Giang chia sẻ.
Hơn 2ha đất rừng bỏ hoang được phủ kín bằng những cây dổi thẳng tắp vừa có thể lấy gỗ quý vừa lấy hạt.
Nói là làm, với dự định chọn loại cây nào vừa có thể ăn quả lại có thể lấy gỗ, anh Giang trồng thử hết mít đến vải nhưng không ăn thua. Nhận thấy cây dổi là loại cây bản địa, có sức sống mãnh liệt, thân cây thẳng, có thể dùng để làm nội thất và xây dựng nhà cửa, quả lại là thứ gia vị rất ngon nên anh trồng dổi.
Với chi phí chỉ 1,5 triệu đồng, năm 2010, anh mua gần 400 cây dổi thực sinh về phủ kín 2ha đất hoang của gia đình. Diện tích đất còn lại anh trồng cam Cao Phong – là loại trái cây đặc sản của Hòa Bình.
Cây dổi có sức sống mãnh liệt vì là cây bản địa của vùng đất Lạc Sơn.
“Cây dổi giống khi ấy tôi mua với giá 5.000 đồng/cây, rất rẻ nhưng lại bảo vệ rất khó khăn vì cứ trồng xong lại bị trẻ con nhổ mất hoặc trâu bò phá. Có gốc phải trồng đi trồng lại 3-4 lần. Vì vậy, tôi phải bỏ thêm chi phí làm cột bê tông và dây thép gai để bảo vệ khu đất trồng dổi”, anh Giang kể.
Chỉ mất vài tháng đầu tưới nước và làm cỏ, thời gian sau đó với sức sống mãnh liệt, loại cây bản địa cứ thế vươn lên thẳng tắp. Anh Giang trồng dổi với suy nghĩ, nếu sau này cây có quả, không ai mua thì còn có thể bán cây lấy gỗ vì gỗ dổi cũng có giá trị rất cao.
Hạt dổi sau khi thu hoạch sẽ được ươm cây giống hoặc bán làm gia vị với giá 1-3 triệu đồng/kg.
Hơn 6 năm sau, vườn dổi cho ra lứa quả đầu tiên. Quả vụ đầu ít quá anh Giang không buồn hái, để rụng rồi nhặt cả vườn được khoảng 23-30kg nhưng lái buôn tìm vào tận nhà mua với 1,5-2 triệu đồng/kg khiến anh vô cùng thích thú.
Làm chơi ăn thật, những năm tiếp theo, vườn dổi cứ thế sai trĩu quả, cho thu hoạch từ 300-400kg. Dổi thu hoạch được bao nhiêu thương lái đến tận nhà mua hết đến đó với giá từ 1-1,5 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu về từ 400-500 triệu đồng/vụ.
Thứ quả rừng này đã mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm cho lão nông xứ Mường.
Nhận thấy giá trị của cây dổi rất lớn, bà con các tỉnh lân cận cũng tìm đến anh mua giống dổi. Vì thế anh tiến hành ươm cây giống và chiết cành ghép cây dổi bán giống. Mỗi năm, anh Giang cung cấp hơn 100.000 cây giống, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi được khoảng 600-700 triệu đồng từ tiền bán cây giống.
Kể lại quá trình làm tỷ phú nông dân của mình, anh Giang nhớ lại những ngày tháng khi bắt đầu trồng dổi cách đây hơn 10 năm, ai cũng bảo anh hâm và điên rồ khi nhà nhà trồng keo, bạch đàn hoặc cam, mít, anh lại đi trồng thứ cây kỳ lạ, chỉ mọc hoang trong rừng.
Thành công từ mô hình trồng dổi lớn nhất tại Lạc Sơn, anh Giang được mệnh danh là vua dổi xứ Mường.
“Đến giờ, khi hạt dổi có giá trị kinh tế cao, mọi người đổ xô đi trồng thì nhiều người cũng bảo họ hâm, sợ nhiều người trồng sẽ bão hòa, mất giá. Với tôi thì thị trường hạt dổi còn quá rộng. Hạt dổi chưa có tên trong danh sách gia vị trên thế giới, chỉ mới phục vụ nhu cầu trong nước đã rất cao rồi, nếu có bão hòa, xuống đến 100.000 đồng/kg vẫn có lãi hơn cà phê và tiêu rất nhiều”, anh Giang khẳng định.
Ngoài hàng tỷ đồng có được từ bán dổi giống và hạt dổi, khu đất hơn 2ha trồng cam Cao Phong của anh cho thu hoạch khoảng 30-50 tấn/năm, mang về thu nhập vài trăm triệu đồng.
Có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng khi gặp, anh Giang vẫn cho người đối diện cảm giác gần gũi, chân chất, thật “nông dân” của mình. Với anh, người nông dân cứ yêu đất, yêu cây, yêu thiên nhiên và lao động bằng chính đôi tay, khối óc của mình thì sẽ được trả công xứng đáng, vì với anh, “trời không phụ lòng người”.
Theo Hồng Cảnh/ Dân Việt