Lê Khánh Trình và loạt CEO lừa đảo bằng hình thức góp vốn đầu tư

Google News

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ án, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động huy động vốn, hợp tác đầu tư kinh doanh… đã bị cơ quan Công an khởi tố, điều tra.

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định chuyển vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do ông Lê Khánh Trình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trường Tiền Holdings thực hiện đến Công an TP HCM thụ lý, điều tra.
Trước đó cuối năm 2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Khánh Trình để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quyết định, lệnh trên được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.
Le Khanh Trinh va loat CEO lua dao bang hinh thuc gop von dau tu
 Ông Lê Khánh Trình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trường Tiền Holdings trước khi bị khởi tố.
Theo cơ quan điều tra, ông Lê Khánh Trình đã có hành vi đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn thông qua việc ký hợp đồng tự nguyện góp vốn đầu tư dự án.
Hồi cuối tháng 6/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", thông qua hình thức huy động đầu tư vào doanh nghiệp trên.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, bị can Lê Khánh Trình đã có hành vi đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, thông qua việc ký hợp đồng tự nguyện góp vốn đầu tư dự án.
Theo nội dung tố giác, từ cuối năm 2018 - 2019, rất nhiều nhà đầu tư ở nhiều tỉnh, thành đã ký các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương (thời điểm này giữ chức Tổng giám đốc).
Tuy nhiên, sau khi đã nộp tiền cho Công ty Trường Tiền theo như thỏa thuận trong hợp đồng, doanh nghiệp này chỉ chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong một thời gian ngắn, sau đó không tiếp tục thực hiện các cam kết.
Sau nhiều lần nhà đầu tư kéo tới trụ sở công ty yêu cầu làm rõ, thì được Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương hướng dẫn làm biên bản thanh lý hợp đồng, thu lại các hợp đồng bản chính đã ký và cam kết sau thời điểm thanh lý sẽ hoàn trả tiền đã nộp cho khách hàng. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty Trường Tiền vẫn không thực hiện, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Le Khanh Trinh va loat CEO lua dao bang hinh thuc gop von dau tu-Hinh-2
Bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh trước khi bị khởi tố.
Ngoài vụ việc trên, thời gian gần đây, hàng loạt vụ án, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động huy động vốn, hợp tác đầu tư kinh doanh… đã bị cơ quan Công an khởi tố, điều tra.
Gần đây nhất, giữa tháng 11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã khởi tố bị can bà Phạm Mỹ Hạnh (SN 1980, trú tại quận Cầu Giấy) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự.
Le Khanh Trinh va loat CEO lua dao bang hinh thuc gop von dau tu-Hinh-3
Hình ảnh cửa hàng của  Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh khai trương. 
Trước đó, cơ quan Công an tiếp nhận đơn thư người dân tố giác bà Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động quảng cáo, giới thiệu về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đang thực hiện dự án trồng cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.
Theo Công an TP Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy đã xác minh làm rõ từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh không có dự án đầu tư về cây Sâm Ngọc Linh nhưng bà Phạm Mỹ Hạnh vẫn đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về việc công ty này đang thực hiện dự án trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh tại địa bàn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.
Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư nộp tiền góp vốn vào công ty hứa hẹn trả lợi nhuận cao rồi chiếm đoạt sử dụng vào hoạt động đầu tư bất động sản nhằm hưởng lợi cá nhân.
Cụ thể, bà Hạnh hứa hẹn trả lãi suất rất cao (hàng chục phần trăm/năm) cho các nhà đầu tư và đưa ra các hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần trong Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh. Với lãi suất hấp dẫn như vậy, nhiều nhà đầu tư đã bị "mờ mắt" và đầu tư vào góp vốn.
Từ các tài liệu điều tra thu thập được, cơ quan điều tra đã làm rõ bà Phạm Mỹ Hạnh dùng thủ đoạn huy động vốn bằng phương thức đa cấp, thu tiền của hàng nghìn cá nhân với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng.
Sau đó, bà Hạnh sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho chính các nhà đầu tư, lấy tiền của người góp vốn sau trả tiền gốc lãi cho người đã góp vốn trước và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, là hơn 600 tỷ đồng.
Le Khanh Trinh va loat CEO lua dao bang hinh thuc gop von dau tu-Hinh-4
 Bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam trước khi bị bắt.
Một vụ án khác tương tự xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam.
Theo đó, vào tháng 9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, bước đầu xác định, bà Vũ Thị Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Bà Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Le Khanh Trinh va loat CEO lua dao bang hinh thuc gop von dau tu-Hinh-5
 Một số nhà đầu tư căng băng rôn đòi tiền bà Vũ Thị Thúy hồi tháng 7/2023.
Trong năm 2023, một vụ việc có dấu hiệu lừa đảo xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Bankland cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội khởi tố.
Theo điều tra ban đầu, doanh nghiệp này đã tổ chức hàng loạt hội nghị, sự kiện để quảng cáo về nhiều ngành nghề kinh doanh (như bất động sản, mua bán ô tô, cổ phiếu nội bộ...) để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 72 tháng với mức 43,2%/năm. Thực tế, Bankland không có bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào.
Cơ quan công an xác định, có khoảng 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư với số tiền góp vốn trên 400 tỷ đồng vào Bankland.
Khánh Hoài (t/h)