Sôi sục vì chiết khấu xăng dầu tiệm cận 0 đồng
“Chúng ta bỏ tiền, bỏ vốn ra đầu tư 1 cây xăng nhưng chiết khấu thì bấp bênh. Chiết khấu bao nhiêu là do doanh nghiệp đầu mối ấn xuống, chúng ta không có tiếng nói nào hết”, đó là lời ruột gan của ông Văn Công Thật, Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc tại buổi gặp mặt ít ngày trước của các nhà bán lẻ xăng dầu.
Tâm sự ấy có lẽ mang tính đại diện cho hàng nghìn đại lý bán lẻ xăng dầu khác trên toàn quốc. Doanh nghiệp đầu mối được Nhà nước ấn định phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức 1.350 đồng/lít trong công thức tính giá bán lẻ, nhưng đến tay đại lý bao nhiêu là đầu mối quyết.
Hình ảnh quen thuộc tại nhiều cây xăng vào năm 2022.
Cuối năm 2022, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước sôi sục trước tình trạng chiết khấu bị không ít doanh nghiệp đầu mối “dìm xuống” còn tiệm cận 0 đồng. Mức chiết khấu này kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng nề, bán cả vườn tược, cầm cố nhà cửa để duy trì kinh doanh. Nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, họ buộc phải đóng cửa. Đây là một phần nguyên nhân khiến tình trạng "gián đoạn cục bộ" trong cung ứng xăng dầu diễn ra tại một số địa phương.
Còn những lời kêu than của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi ấy, theo lời ví von của ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Nai là "như tiếng kêu giữa sa mạc”.
Ông Phụng tâm sự: "Các doanh nghiệp xăng dầu bị sức ép lớn, chịu nhiều thiệt thòi. Tôi có hệ thống cửa hàng xăng dầu ở Đắk Lắk phải treo biển bán, không chịu nổi nữa. Muốn bán mà giờ không có ai mua".
Nghĩ lại những ngày tháng đó, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), chia sẻ: Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng. Nguyên nhân chính, theo ông Thắng, bởi những quy định trong nghị định về xăng dầu hiện hành không có lợi cho doanh nghiệp bán lẻ, không công bằng đối với các chủ thể tham gia trên thị trường xăng dầu.
Cùng đường, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ký vào các lá đơn kiến nghị tập thể. Các ông chủ cây xăng từ Sóc Trăng, Lâm Đồng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Giang... cùng nhau tề tựu ở Hà Nội “kêu cứu” lên Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương...
Đầu năm 2023, ban đại diện của các doanh nghiệp xăng dầu ra Hà Nội đề nghị Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo để góp ý sửa đổi dự thảo Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu. Ngày 14/2, hội thảo diễn ra với sự góp mặt của khoảng 300 đại biểu, gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử doanh nghiệp bán lẻ được mời tham gia góp ý sửa đổi nghị định. Từ trước đến nay, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhưng chưa được các bộ ngành quan tâm đúng mức”, ông Thắng thẳng thắn.
Sau đó, chiết khấu bắt đầu nhúc nhích tăng. Hai tuần sau, ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã mời đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đến dự “Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu” nhằm có hướng chỉ đạo ổn định tình hình xăng dầu đang nóng.
Đó cũng là lần đầu tiên những đại diện doanh nghiệp bán lẻ này được bước vào tòa nhà Quốc hội và có dịp trải lòng về những khó khăn.
Tình hình thị trường xăng dầu đã ổn hơn nhưng vẫn chứa nhiều rủi ro chính sách điều hành.
Những lời giãi bày của các doanh nghiệp bán lẻ được Chính phủ, Quốc hội lắng nghe. Tình hình chiết khấu một phần được cải thiện, "hài hoà lợi ích" như nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Vẫn bấp bênh
Đến nay, nghị định sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa được thông qua. Những vấn đề liên quan đến đại lý được mua từ nhiều nguồn, mức chiết khấu tối thiểu, cơ chế điều hành giá... ngổn ngang ý kiến trái chiều. Câu hỏi có nên thả nổi thị trường xăng dầu theo thị trường hay Nhà nước vẫn điều hành giá, khiến cuộc tranh cãi còn kéo dài.
Nhưng nhìn chung, những nội dung tại dự thảo nghị định vẫn theo hướng “lệch” hơn về phía các doanh nghiệp đầu mối, so với những doanh nghiệp bán lẻ.
Đơn cử, dự thảo đề xuất điều chỉnh giá 7 ngày/lần thay vì 10 ngày như hiện tại và chỉnh giá vào ngày thứ Năm. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ lo ngại bất lợi cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Vì sau kỳ điều chỉnh giá vào thứ Năm, các đầu mối sẽ cho chiết khấu thấp đến cuối tuần. Doanh nghiệp bán lẻ, dù muốn dù không, vẫn phải mua hàng về bán duy trì. Còn nhà cung cấp sẽ đợi đến thứ Hai mới so sánh mức chiết khấu của các bên để điều chỉnh lại. Lúc ấy chuẩn bị đến kỳ điều chỉnh tiếp theo, và “vòng tròn” bất lợi có thể lặp lại.
Những lý do đó đã thúc đẩy các doanh nghiệp gửi đơn đến Bộ Nội vụ, mong muốn thành lập hiệp hội để tiếng nói của một tổ chức đại diện cho DN có tính pháp lý theo quy định. Từ đó, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, góp phần để thị trường xăng dầu Việt Nam hoạt động trơn tru và phát triển ổn định.
“Không thể bỏ cả chục tỷ đồng ra đầu tư mà lỗ hoài”, ông Lê Văn Báu, chủ cửa hàng xăng dầu ở quận Tân Bình (TP.HCM), bức xúc.
“Phải có sự công bằng giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trụ được, đủ sống thì nuôi được người lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu cho người dân”, ông nói.
“Ngày 18/5, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định lần cuối văn bản sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Sau nhiều lần xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã trình dự thảo sửa đổi các nghị định kinh doanh xăng dầu vào ngày 18/7”, Bộ Công Thương cho hay.
Theo Lương Bằng/ Vietnamnet