Bọ xít non rang lá chanh không phải là món ăn mới lạ, song nó vẫn được dân nhậu lùng mua mỗi khi đến mùa hoa nhãn, vải. Loài vật này từng khiến nhiều người khiếp sợ bởi mùi hôi hám và nước tiểu của chúng có thể gây bỏng rát, thậm chí mù lòa nếu chẳng may vào mắt con người. Nhưng khi làm thành món ăn, không ít người bất ngờ với hương vị của nó và đánh giá nó là một món ăn ngon, khác lạ và thấy thèm khi lâu không thưởng thức.
“Có ai ăn con này chưa? Vâng, đó chính là bọ xít non. Bắt hơi cực tý thôi nhưng ngon lắm, về rửa sạch, rang qua với nước măng chua cho cạn nước, sau đó rửa sạch chảo, đợi mỡ thật già rồi cho vào rang, thêm tý muối, hạt nêm. chẹp chẹp, pơ phệch”, anh Nguyễn Việt Chung (Hà Nội) chia sẻ về món ăn bọ xít non.
Dưới bài chia sẻ này, nhiều người cũng bày tỏ bản thân mong muốn được thưởng thức thêm lần nữa nhưng có vẻ tìm mua khó và giá rất cao nên họ cũng đắn đo.
Bọ xít được bán với giá lên đến 480.000 đồng/kg.
Liên hệ với một người bán, chị Ngọc Tâm (trú tại Sông Mã, Sơn La) cho biết bọ xít non hiện chị đang bán với giá 480.000 đồng/kg nhưng cũng không có nhiều. “Có những ngày cả gia đình đi bắt thì được tầm 2-3kg, còn những hôm bận rộn với trời mưa thì cũng chẳng có mà bán”, chị nói.
Để bắt được bọ xít non, chị Tâm tự chế tạo ra một dụng cụ để bắt được bọ xít ở trên cao, chị phải sử dụng chiếc sào dài khoảng 4-5m, một đầu được gắn túi lưới tạo thành chiếc vợt. Nhà chị có đến 3-4 chiếc, mỗi người sẽ cầm một chiếc sào này để đi bắt.
Muốn ăn được bọ xít, người dân phải mất rất nhiều công sức để bắt và sơ chế chúng.
Chị chia sẻ những con bọ xít non thường bám vào các chùm hoa nhãn, vải. Chị phải sử dụng chiếc sào để rung hoa nhãn, bọ xít sẽ rơi vào đó. Nhưng không phải tất cả sẽ rơi vào vợt, có một số con sẽ rơi xuống đất và chị phải sử dụng găng tay để bắt.
Số bọ xít non bắt được, chị về làm sạch và sơ chế trước để khách chỉ cần mua về rửa sạch và rang với lá chanh là được. “Khá nhiều người liên hệ đặt hàng, tôi chẳng có đủ mà bán nên chỉ bán cho những người quanh vùng thôi”, chị nói.
Đã bán 3 năm nay, chị Bích Phạm (Sơn La) cho biết bọ xít non chỉ có một mùa duy nhất trong năm, kéo dài từ tháng 2 đến khoảng tháng 6-7 Dương lịch. Chính vì thế, nhiều người tranh thủ mua về ăn trong thời điểm này.
Sau khi bắt và mua gom của nhà dân về, chị đem bọ xít ngâm xuống nước vài giờ để chúng chết và bọt khí từ bọt xít nổi hết lên mặt nước. “Sau đó, tôi sẽ vớt hết ra rồi để ráo nước rồi rang vàng lên. Tôi còn phải bỏ đầu, cánh, rút ruột hết số bọ xít này rồi mới đem chiên với dầu, mỡ. Sau đó, sẽ thêm gia vị và lá chanh để thơm ngon hơn”, chị nói tiếp.
Nói thì đơn giản là như vậy, nhưng theo chị, từ cách bắt đến chế biến đều cần sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian. Vì thế mà bọ xít non bán ra thị trường giá luôn ở mức cao, chưa bao giờ chị bán giá dưới 400.000 đồng/kg.
Món ăn này có thể gây dị ứng, ngộ độc cho người thưởng thức nên cẩn cẩn trọng.
Tuy nhiên, người ăn cần cần thận khi thưởng thức món ăn này bởi bọ xít non có thể gây dị ứng cho người ăn. Trước đó, vào tháng 8/2016, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế ghi nhận vụ ngộ độc do ăn bọ xít rang tại xã Chiềng Xôm (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) làm 5 người mắc, 3 người phải nhập viện điều trị; ngộ độc do ăn bọ xít lửa tại xã Yên Hòa (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) làm 12 người mắc và 7 người nhập viện điều trị…
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong.
Vì vậy, Cục ATTP khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn côn trùng.
Trong trường hợp sau khi ăn côn trùng mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Anh Thư/ Dân Việt