Loại cua mùi thuốc bắc, đắt hơn cua huỳnh đế

Google News

Mỗi con cua to bằng nắm tay, mai và các chân màu nâu tím, phần bụng dưới ngả màu vàng ươm. Khi chế biến, cua chuyển sang màu gạch, ăn rất béo và thơm nồng mùi thảo dược.

Có thời điểm, giá loại cua này còn đắt hơn cua huỳnh đế vì chúng ngày càng trở nên quý hiếm.

Cua đá là loại cua từ lâu đã trở thành món đặc sản rất khoái khẩu của du khách khi đến tham quan đảo Lý Sơn hoặc Cù Lao Chàm. Người ta gọi là cua đá vì nó sống ở các hang đá trên núi. Sau khi đánh bắt, cua đá ở Cù Lao Chàm phải qua các bước kiểm tra kỹ lưỡng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường.

Loai cua mui thuoc bac, dat hon cua huynh de

Cua đá có chiều ngang mai trên 7cm và không mang trứng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Duy Khanh – Chủ nhiệm hợp tác xã cua đá Cù Lao Chàm, tại đây, cua đá chỉ được phép khai thác từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7. Khoảng thời gian còn lại là chu kỳ cua đá sinh sản và tuyệt đối bị cấm săn bắt, mua bán. Vậy nên, du khách hay thậm chí người dân trên đảo, nếu có nhiều tiền đến mấy thì cũng không mua được cua đá để ăn vào thời điểm chúng bị nghiêm cấm khai thác.

Theo quy định, cua đá có chiều ngang mai trên 7cm, không mang trứng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường; còn những con không đủ tiêu chuẩn sẽ bị giữ lại và được phóng thích về lại môi trường tự nhiên.

Theo ông Khanh, trước đây, cua đá vốn có rất nhiều ở Cù Lao Chàm. Giống cua này sống ở các hang đá giữa 2 môi trường biển đảo và rừng, cần điều kiện ẩm. Tuy nhiên,do số lượng đánh bắt vô tội vạ đã khiến loài cua đá ngày một ít đi.

Loai cua mui thuoc bac, dat hon cua huynh de-Hinh-2

Mỗi thành viên chỉ được dán nhãn tối đa 50 con cua/tháng.

Để bảo tồn loại cua này, từ nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), TP Hội An và Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã  triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm”, tiến hành dán nhãn kiểm soát lượng cua đá bán ra thị trường. Nhờ vậy, loài cua đá Cù Lao Chàm không chỉ tránh nguy cơ tuyệt diệt mà ngày càng được nâng tầm thương hiệu.

Từ 18 thành viên ban đầu, đến nay, Hợp tác xã cua đá Cù Lao Chàm đã có 42 thành viên, cam kết không bắt cua chưa đủ kích cỡ quy định, không buôn bẩn thị trường khi chưa dán tem kiểm định và không bán với giá thấp hơn niêm yết. Ngoài ra, mỗi thành viên chỉ được dán nhãn tối đa 50 con cua/tháng.

Loai cua mui thuoc bac, dat hon cua huynh de-Hinh-3

Khi chế biến, cua đá chuyển sang màu gạch đỏ rất đẹp và bắt mắt.

“Để săn cua đá, người dân trên đảo phải đi rừng vào đêm, vì đêm là thời gian cua đá ra khỏi hang để kiếm ăn, còn ban ngày cua ở trong hang rất khó bắt được chúng. Loài cua này rất tinh khôn, để săn được chúng phải di chuyển trong rừng thật khéo léo và nhẹ nhàng, nếu nghe động cua sẽ nhanh chóng lỉnh ngay vào hang đá hay leo nhanh lên cây lẩn trốn, rất khó bắt. Tuy nhiên, vào ngày mưa, có người bắt được cả 5kg cua đá, bán với giá 850.000 đồng/kg, thu về hơn 4 triệu đồng”, ông Khanh cho biết.

Tuy nhiên, để bảo tồn cua đá, mỗi thành viên của HTX chỉ được phép dán nhãn tối đa 50 con cua/tháng. Ngoài quy định về kích cỡ, HTX cua đá Cù Lao Chàm còn quy định về giá bán cua. Cụ thể, giá thu mua của thành viên trong HTX không dưới 850.000 đồng/kg, khi bán ra thị trường không được cao hơn 1,4 triệu/kg và không thấp hơn 1,1 triệu đồng/kg. Do vậy, tại nhà hàng, cua đá có giá lên đến 2 triệu đồng/kg.

Loai cua mui thuoc bac, dat hon cua huynh de-Hinh-4

Cua đá rất nhiều gạch, gạch cua có màu sẫm, vị như thuốc bắc, hơi đắng nhưng rất rất béo và thơm nồng mùi thảo dược.

Nhờ quản lý khai thác nghiêm ngặt và kế hoạch bảo tồn bài bản, loại cua đặc biệt sống trong rừng, ăn lá thuốc, thịt cua có vị thuốc nam đã trở thành món đặc sản có giá đắt đỏ. Nếu ai đã từng thưởng thức thịt của loại cua này sẽ biết rằng nó không hề thua kém loại cua đang được đánh giá là số 1 của Việt Nam hiện nay - cua huỳnh đế.

Theo người dân ở đây, cua đá rửa sạch rồi để nguyên con chế biến, ăn sẽ ngon hơn. Đơn giản nhất là nướng và hấp bia, phức tạp một chút thì xào me, cháy tỏi. Chất lượng thịt và gạch của cua đã đủ để làm nên độ ngon, không cần phải chế biến nhiều. Cua đá có màu tím, khi chín thì chuyển sang màu gạch tuyệt đẹp và thơm lừng.

Vỏ cua khá dày và cứng, thịt cua chắc và thơm, đặc biệt ngon và lạ nhất của cua đá phải nói đến gạch cua. Cua đá rất nhiều gạch, kể cả con đực lẫn cái. Gạch cua có màu sẫm, vị như thuốc bắc, hơi đắng nhưng rất rất béo và thơm nồng mùi thảo dược. Rất lạ, không thể tìm được mùi này ở bất kì con cua nào khác.

Theo Dân Việt