Giật mình cua lông Thượng Hải giá rẻ bất ngờ
Được coi là loại cua ngon nhất thế giới, những năm trước, cua lông Thượng Hải từng gây sốt với giá lên đến 2-3 triệu đồng/kg, tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi cua lông được rao bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/kg, thậm chí chỉ 45-60.000 đồng/con.
Thậm chí trên chợ mạng còn xuất hiện bài viết rao bán cua lông Hồng Kông cấp đông siêu gạch giá sỉ chỉ 200.000 đồng/kg, hình thức đóng theo thùng, mỗi thùng 50kg.
Cua lông Thượng Hải được coi là loại cua ngon nhất thế giới
Một chủ cửa hàng hải sản với gần 5 năm nhập khẩu cua lông Thượng Hải theo đường hàng không về Việt Nam cho rằng cua lông Thượng Hải nếu nhập về Việt Nam không thể có giá dưới 1 triệu đồng/kg bởi giá tại Hồng Kông đã khoảng 100 USD/kg loại nhỏ, thậm chí những con trên 250gr còn có giá lên đến 90 USD/con.
Ở Việt Nam cũng có cua lông, mọi người thường gọi là cua cà ra hoặc cua da, vì nó có hình dáng giống cua lông Thượng Hải, ngay cả cua lông nhập khẩu từ Trung Quốc về cũng có 2 loại chính đó là cua từ Quảng Châu và cua từ Thượng Hải nhưng khi ăn chất lượng khác hẳn”, anh Kiên nói.
Cách phân biệt cua lông Thượng Hải dễ nhất đó là, mỗi con cua lông nhập từ Thượng Hải về đều có nẹp nhựa và mã vạch còn cua từ nơi khác nhập về thì không có. Ngoài ra, cua đực Quảng Châu không chắc thịt, gạch và trứng cũng không bùi, béo và quyện như cua Thượng Hải.
Đội mưa xếp hàng từ 4 giờ sáng mua bánh trung thu
Hiện nay, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn để thưởng thức một loại bánh trung thu vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt lại tiện lợi trong việc mua bán. Tuy vậy, nhiều người vẫn không ngại bỏ công sức, xếp hàng “chầu chực” dưới mưa để thưởng thức loại bánh truyền thống yêu thích.
Trong 2 ngày cuối tuần 10 – 11/8 âm lịch, tại một cửa hàng bánh trung cở sở Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) người dân bắt đầu đứng xếp hàng từ 4 giờ sáng đến tận tối muộn, bất chấp thời tiết mưa gió kéo dài cả ngày.
Bánh trung thu của thương hiệu này được bán với giá từ 40.000 – 80.000 đồng/chiếc. Ngoài nhân thập cẩm quen thuộc, cửa hàng cũng có thêm các nhân bánh hiện đại phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng như: Nhân trứng muối, nhân đậu xanh, hạt sen…
Tuy vậy, Trung thu năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên số lượng khách giảm khoảng 30% so với mọi năm.
Tràn ngập bào ngư giá rẻ giật mình
Bào ngư được coi là loại hải sản cao cấp với rất nhiều dinh dưỡng. Chính vì thế, giá thành của nó luôn ở mức cao. Thế nhưng tại nhiều địa chỉ chợ online, thương lái đang bán bào ngư được quảng cáo là “bào ngư Hàn Quốc chính hiệu, ngon và nhiều dinh dưỡng” với giá vô cùng phải chăng là 15.000 đồng/con. 1kg bào ngư gắn mác này tính ra có giá 150.000 - 400.000 đồng, rẻ bằng một phần tư so với thông thường.
Lý giải vì sao năm nay bào ngư có giá rẻ như vậy, một người buôn cho rằng, do dịch bệnh bào ngư không xuất khẩu được sang các nước khác. Người tiêu dùng muốn mua bào ngư chất lượng thì phải cân nhắc lựa chọn nơi uy tín.
Ông Trần Văn Trường - Giám đốc công ty Hải sản Hoàng Gia - cho rằng, bào ngư Hàn Quốc về Việt Nam đa phần là hàng tươi sống, có giá bán lẻ 1,1 - 1,3 triệu đồng/kg. Hiện các sản phẩm mà nhiều cửa hàng online rao bán với giá 150.000 - 400.000 đồng/kg là hàng đông lạnh hoặc hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Loại này được phía Trung Quốc nuôi bằng thức ăn công nghiệp và chưa được phép nhập khẩu sống về Việt Nam.
Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, nhiều chuồng bỏ trống
Dịch tả lợn Châu Phi đang có dấu hiệu tái bùng phát tại một số địa phương, như: Nghệ An, Ninh Bình, Yên Bái, Cao Bằng,… làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăn nuôi của bà con. Để an toàn, nhiều hộ đành “treo chuồng” tránh dịch.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, ngay từ cuối tháng 8 bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra ở khá nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thuộc các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Nam Đàn, Kỳ Sơn, Nghi Lộc, Quế Phong… Tính đến nay, toàn tỉnh có 35 xã có dịch.
Dịch tả lợn lan rộng
Tại Cao Bằng, dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh từ ngày 24/4/2020. Sau hơn 3 tháng phát hiện, đến nay, dịch bệnh lây lan tại 829 hộ thuộc 210 thôn xóm, 73 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, làm mắc và buộc tiêu hủy 3.284 con lợn với tổng trọng lượng trên 171.000kg. Chỉ tính riêng từ ngày 3/8 đến ngày 9/8/2020, dịch bệnh tiếp tục phát sinh.
Ông Phạm Bá Thắng, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - một trong những "thủ phủ" nuôi lợn lớn nhất miền Bắc cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh lây lan phức tạp tại các địa phương, nhiều hộ chăn nuôi với số lượng lớn tại xã Ngọc Lũ đang tạm nghỉ “treo chuồng” để chờ qua đỉnh điểm của đợt dịch.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng đầu lợn tái đàn tại địa phương giảm đi đáng kể.
Hàng trăm tấn cam rụng trắng vườn, nông dân bán tháo rẻ như cho
Hơn nửa tháng nay, tại thủ phủ cam Vinh thuộc huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) xảy ra hiện tượng cam bị rụng lên đến cả trăm tấn khiến nhiều nhà vườn đứng trước nguy cơ “trắng tay”.
Mọi năm, mỗi cây cam khoảng 5 năm tuổi bình quân sẽ có khoảng 100-120kg quả trên cây nhưng đến khi thu hoạch thì chỉ còn khoảng 70kg bởi mỗi ngày sẽ rụng từ 7-10 quả. Vụ cam năm nay cam bỗng dưng rụng nhiều hơn.
Vì cam rụng quá nhiều, phủ kín gốc nên nhiều nhà sợ bị nấm và ruồi vàng phát triển mạnh, ảnh hưởng đến gốc cam nên đi nhặt rồi mang xe bò chở ra đổ đầy vệ đường. Nhiều nhà tiếc của chọn những quả cam già mang bán với giá 5.000 đồng/kg nhằm vớt vát chút công sức.
Cam rụng do nhiều yếu tố như thời tiết, phân bón, sâu bệnh, vàng lá thối rễ hoặc do bị thoái hóa giống dẫn đến khả năng kháng bệnh của cây kém, cuống cam bị yếu đi dễ bị rụng.
Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 61.000 ha cam sắp đến kỳ thu hoạch nhưng nửa tháng nay nhiều nơi xảy ra hiện tượng rụng quả hàng loạt, ước tính hàng trăm tấn cam đã phải vứt bỏ, chôn lấp.
Theo Thu Trang/Dân Việt