Càng về cuối năm, tôm hùm ngày càng tăng giá. Hiện, tôm hùm xanh mua tại đầm là 1-1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm bông lên 1,8-2,2 triệu đồng/kg nhưng rất ít nhà có tôm để bán.
Nhiều hộ nuôi tôm hùm ở Phú Yên cho biết giá này tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 3/2020 nhưng người nuôi vẫn không có lãi vì tiền xăng dầu cũng tăng gấp 2 lần năm trước. Chưa kể tiền thức ăn, mưa bão, tôm chết, hao hụt rất nhiều.
Theo đó, năm trước dịch Covid-19 phức tạp, giá tôm xuống thấp nên người nuôi tôm hùm ôm lỗ quá nhiều, treo lồng không nuôi nữa. Ngoài ra, nuôi tôm hùm rất vất vả, thức ăn thì đắt, tôm hùm bông nuôi mãi không lớn.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương (Sông Cầu, Phú Yên), hiện trên địa bàn xã có khoảng 1.190 hộ, thả nuôi khoảng 21.220 lồng tôm hùm. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, người dân thả tôm giống ít hơn nên số lượng tôm thả nuôi giảm khoảng 25% so với năm trước khiến giá tôm hùm tăng khoảng 30-35%.
So với thời điểm đầu năm ngoái thì năm nay giá tôm tăng gấp 2-3 lần.
Siêu thị điện máy xả hàng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội, người dân thắt chặt chi tiêu khiến thị trường điện máy hầu như ảm đạm cả năm.
Lượng hàng tồn kho lớn khiến các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh hàng điện máy đã tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhằm kích cầu mua sắm.
Bước vào tháng cuối năm, hàng loạt siêu thị điện máy triển khai các chương trình khuyến mại ngay từ đầu tháng, nhiều sản phẩm “bay” nửa giá. Trong đó nhiều mẫu tủ lạnh dung tích lớn, tiết kiệm điện đang giảm đến trên 50%.
Anh Hiếu, nhân viên bán hàng siêu thị điện máy này thì trước đây, mặt hàng tủ lạnh ít khi giảm giá sâu như hiện tại. Theo anh Hiếu, ngoài các siêu thị điện máy giảm giá thật thì có một số cửa hàng, siêu thị điện máy sử dụng chiêu trò đẩy giá ảo hoặc tập trung giảm giá sâu hàng trưng bày và các model cũ nhằm thu hút khách hàng. Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn siêu thị uy tín hoặc tham khảo giá của các siêu thị với nhau để mua được sản phẩm ưng ý với giá thành có lợi cho mình nhất.
Lượng ô tô bán ra tăng mạnh trong tháng 11
Trong tháng 11 vừa qua, lượng ô tô bán ra của các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đạt 38.656 xe, tăng 30% so với tháng 10 và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng bán ra của xe lắp ráp trong nước trong tháng 11 đạt 20.965 xe, tăng 37% so với tháng trước; trong khi lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc bán được là 17.691 xe, tăng 22% so với tháng trước.
Theo thống kê của VAMA, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 11/2021 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 4%; xe thương mại tăng 23% và xe chuyên dụng tăng 47% so với năm 2020.
Tính đến hết tháng 11/2021, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 10% trong khi xe nhập khẩu tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kiwi nhập khẩu bất ngờ rẻ chưa từng có
Nhiều cửa hàng online bán hàng tạ kiwi mỗi ngày.
Kiwi được coi là loại trái cây nhập khẩu cao cấp có giá khá đắt đỏ, được bày bán tại các cửa hàng hoa quả cao cấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây người tiêu dùng tỏ ra khá bất ngờ khi kiwi được rao bán với giá rẻ chưa từng có trên khắp các chợ online, giá chỉ 39.000 đồng/kg.
Trước đây, giá kiwi vàng luôn ở mức 215.000-250.000 đồng/kg, kiwi xanh từ 95.000-100.000 đồng/kg nhưng đợt này giá giảm 2-3 lần. Cụ thể, kiwi xanh chỉ 100.000 đồng/3kg, kiwi vàng chỉ 100.000 đồng/kg nếu mua lẻ và chỉ 305.000 đồng/thùng 3,5kg.
Theo chị An, trú tại Hoàng Mai (Hà Nội), giá kiwi bỗng rẻ bất ngờ là do đã vào mùa chính của kiwi New Zealand. Hơn nữa, ngày càng nhiều đơn vị tiến hành nhập khẩu hoa quả về cung cấp ra thị trường số lượng lớn nên mặt hàng này không còn khan hiếm. Vì vậy, hoa quả nhập khẩu ngày càng rẻ và không có sự chênh lệch giá quá lớn với các loại hoa quả trong nước.
Vé tàu xe dư thừa, lo thiếu khách
Thời điểm này các năm trước thị trường vé tàu, xe, máy bay đi lại dịp Tết đã rất sôi động, thậm chí hết vé giá rẻ, nhưng năm nay khách vẫn rất ít.
Sau gần 1 tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, ga Sài Gòn hay Hà Nội đều chung cảnh vắng vẻ. Tại ga Hà Nội, mỗi ngày chỉ có vài khách tới mua vé trực tiếp.
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dự báo Tết này khách rất ít, khi khách đi tàu chủ yếu công nhân, người lao động và sinh viên. Sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, rất nhiều người đã rời phố về quê, sinh viên các trường vẫn ở quê học trực tuyến. Trước mắt đường sắt mới bán vé 4 đôi tàu Bắc - Nam và 1 đôi tàu tuyến TPHCM - Đà Nẵng, còn lại vẫn dừng hoạt động, nếu vé bán tốt mới chạy thêm tàu.
Với hàng không, sau khi được tăng chuyến từ ngày 1/12, các hãng đã mở bán vé cho cả giai đoạn Tết Nguyên đán tới, nhưng số vé bán chậm, dù số lượng chuyến bay chưa nhiều.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội (quản lý bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) cho biết, hiện các tuyến xe khách kết nối với Hà Nội được phép hoạt động tối đa 50% phương tiện so với bình thường. Thực tế những ngày qua chỉ khoảng 10-15% xe hoạt động, có tuyến không có xe do vắng có khách. Nếu dịp Tết khách có tăng đột biến lên 30-40% so với hiện nay cũng chỉ đầy số xe đang được hoạt động, chưa cần bổ sung hay tăng cường thêm xe.
Theo Anh Thư / Dân Việt