Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường có câu “vào rừng tìm kho báu”. Trong những khu rừng rậm thường xuất hiện rất nhiều giống cây quý, mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như giống cây cho quả giống hệt bí ngô dưới đây, nhưng kích cỡ chỉ bằng 1/100 quả bí ngô thông thường.
Quả của giống cây này được gọi là bí ngô dại, bí rừng, quả màn thầu, dưa địa kim, hạt bàn tính và nhiều tên gọi khác. Ở Việt Nam, chúng được biết đến phổ biến với cái tên bòn bọt (chè bọt).
Cây bòn bọt mọc hoang ở khắp nơi, nhưng hiện nay mới thấy khai thác ở Bắc Giang. Ngoài ra, chúng còn xuất hiện ở Trung Quốc. Quả bòn bọt tuy chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay nhưng lại nổi tiếng “có võ”. Từ lâu, đây đã là một vị thuốc trong y học cổ truyền, toàn bộ cây có thể coi là một “kho báu”.
Ở Trung Quốc, rễ và lá bòn bọt có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, có thể dùng để điều trị bệnh cảm lạnh, sốt cao, đau họng, viêm dạ dày cấp tính, khó tiêu, kiết lỵ, viêm khớp, đau bụng kinh và nhiều triệu chứng khác. Còn ở nước ta, có nơi dùng lá bòn bọt giã vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết rắn độc cắn. Bệnh viện quân y 108 và Bệnh viện Bắc Giang từng dùng bòn bọt để chữa một số trường hợp phù thận do thiếu dinh dưỡng, phù suy tim có kết quả rất khả quan.
Quả bàn tính cũng có tác dụng thanh nhiệt, bên cạnh đó còn có thể hỗ trợ làm dịu vùng cổ họng, kích thích tuần hoàn màu. Có thể dùng để chữa các bệnh kiết lỵ, tiêu chảy, vàng da, sốt rét, tiểu khó, tiết dịch âm đạo, đau họng, đau răng và nhiều triệu chứng khác. Đây cũng là lý do mà nhiều người dân vùng núi ở xứ Trung coi chúng là “kho báu của rừng”.
Bạn có thể tìm mua cây bòn bọt với giá trên dưới 100.000 đồng/cây trên chợ mạng. Ở Trung Quốc, người ta thường bán riêng quả bòn bọt với giá lên đến 120 NDT/kg, tương đương khoảng 390.000 đồng/kg.
Theo Hương Nguyễn/ Người Đưa Tin