Từ đầu tháng 12 dương lịch là thời điểm cam Khe Mây (ở Hương Khê, Hà Tĩnh) bắt đầu chín rộ. Vào thời gian này những năm trước thương lái từ khắp các nơi đổ xô về giành nhau thu mua, trong khi hiện tại, dù đã chính vụ nhưng khách mua vẫn thưa thớt, vắng bóng, mặc dù giá cam giảm gần nửa so với năm trước.
Cam Khê Mây, đặc sản huyện miền núi Hà Tĩnh.
Xã Hương Đô, huyện Hương Khê được xem là "thủ phủ" của cam Khe Mây, với hơn 300 hộ trồng khoảng 360 ha. Những năm trước mỗi gia đình có thể thu về hàng trăm triệu, có nhiều hộ thu về hàng tỷ đồng nhờ loại cam đặc sản này.
Theo bà Nguyễn Thị Hương (xã Hương Đô), nguyên nhân khiến cam rớt giá, khó bán hơn là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Những năm trước, thời điểm này nhiều thương lái đã về tận vườn để đặt cọc nguyên gốc cam, thế nhưng năm nay do dịch bệnh nên lượng thu mua giảm hẳn. Cam hiện tại đang vào vụ chính, hi vọng dịp giáp Tết Nguyên đán có thể tiêu thụ tốt hơn", bà Hương nói.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá cam giảm, lượng tiêu thụ chậm.
Cũng thấp thỏm vì giá liên tục xuống thấp, chị Hà (xã Hương Đô) cho biết, 1 ha cam của chị đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng hiện tại rất ít thương lái ghé mua. Một số trái chín sớm, chị nhờ con gái đăng bán. Năm nay vườn cam được mùa nhưng chị Hà chỉ thu hoạch cầm chừng.
"Giá cam Khe Mây những năm trước giao động từ 40.000-50.000/kg. Năm nay giá giảm rất thấp, khoảng 20.000-25.000/kg, nhưng lượng tiêu thụ rất chậm", chị Hà cho hay.
Tại huyện Hương Khê, thời điểm này người nông dân cũng đang chăm sóc vườn cam để tập trung cho ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cam đang rớt giá mà dịch COVID-19 vẫn đang căng thẳng. Nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.
Giá cam năm nay giảm một nửa so với năm trước.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Đô, cho biết, toàn xã hiện có hơn 300 hộ dân trồng cam, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
"Giá cam Khe Mây năm nay giảm mạnh, lượng tiêu thụ cũng ít. Nguyên nhân do đợt dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, thương lái không đến thu mua nên dẫn đến tình trạng trên", ông Sơn nói.
Hiện nay, lượng cam chỉ mới tiêu thụ được khoảng 30%.
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Vinh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: "Trước đây cam Khe Mây tập trung chủ yếu tại xã Hương Đô, nhưng những năm gần đây huyện đã xây dựng thương hiệu cam Khe Mây cho toàn huyện. Sản lượng năm 2021 ước đạt hơn 14.000 tấn, giá trị sản xuất 360 tỷ đồng. Riêng năm nay giá cam đang giảm mạnh, nguyên nhân chính là do dịch bệnh COVID-19".
Theo Nguyễn Sơn / Sức khỏe đời sống