Loạt đại gia công khai việc bị truy thu thuế

Google News

Chỉ riêng ngày làm việc cuối cùng của năm 2018, có 17 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE công bố thông tin liên quan tới các quyết định xử phạt vi phạm thuế.

Danh sách các doanh nghiệp bị truy thu thuế vừa được công khai trên sàn này khá dài, với vi phạm thuế trong thời gian từ 2015 đến nay. Có những khoản vẫn đang được cơ quan thuế truy thu, có khoản doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ từ lâu nhưng chậm công bố thông tin.
Trong đó, nhiều đại gia trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng có mặt như BIDV, Vietcombank hay Hà Đô, Nam Long, Phát Đạt...
Theo công bố của BIDV, ngân hàng này đang bị truy thu số tiền thuế bổ sung trong năm 2017 với hơn 2,14 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác là Vietcombank cũng cho biết đã nhận được quyết định của Tổng cục Thuế về việc xử lý vi phạm về thuế trong năm 2017 với số tiền phải nộp bổ sung gần 1,8 tỷ đồng. Khác với BIDV, Vietcombank đã hoàn tất việc xử lý vi phạm. Tuy nhiên, ngân hàng chậm công bố thông tin do điều chỉnh số liệu liên quan đến một số chi nhánh nên chưa rà soát được số liệu trước khi công bố.
Tình trạng này cũng gặp ở nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Gần nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô cho biết đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục Thuế TP.HCM với chi nhánh miền Nam.
Theo đó, tập đoàn này đã có hành vi khai sai thuế GTGT đầu vào làm giảm số thuế GTGT phải nộp tháng 1/2014 hơn 140 triệu đồng và làm tăng số thuế GTGT được khấu trừ giai đoạn 2014-2017 hơn 675 triệu.
Công ty này cũng bị xử phạt tình tiết tăng nặng do kê khai sai nhiều năm liền. Tổng cộng, Cục Thuế TP.HCM đã quyết định xử phạt, truy thu và điều chỉnh giảm khấu trừ thuế GTGT trên 872 triệu đồng với Hà Đô. Trong đó, phần lớn là điều chỉnh giảm khấu trừ thuế GTGT.
Loat dai gia cong khai viec bi truy thu thue
 Cục Thuế TP.HCM đã quyết định xử phạt, truy thu và điều chỉnh giảm khấu trừ thuế GTGT trên 872 triệu đồng với Hà Đô. Ảnh: Bizlive.
Công ty CP Đầu tư LDG bị Cục Thuế tỉnh Đồng Nai xử phạt 57 triệu đồng, vì có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, công ty này phải nộp số tiền thuế truy thu năm 2016 khoảng 110 triệu đồng, cùng với 2,3 triệu tiền chậm nộp thuế tính đến ngày 30/5/2017. Từ sau ngày 30/5/2017 đến ngày thực nộp các khoản truy thu và tiền phạt, công ty này phải tự tính thêm tiền chậm nộp 0.03%/ngày.
Tương tự, Công ty Nam Long bị xử phạt hành chính hơn 45 triệu đồng và truy thu thuế GTGT hơn 205 triệu đồng, truy thu tiền chậm nộp thuế 29,5 triệu đồng. Đồng thời, Nam Long không được khấu trừ thuế GTGT gần 51 triệu đồng, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh trong tờ khai thuế GTGT của kỳ kế tiếp và điều chỉnh giảm lỗ năm 2017.
Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt gần đây công bố đã nộp đủ tổng cộng số tiền phạt gần 885 triệu đồng tiền thuế từ năm 2017. Doanh nghiệp này cũng công bố chậm sau yêu cầu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Kỷ lục về số tiền xử phạt và truy thu thuế là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với hơn 55 tỷ đồng bị Cục Thuế tỉnh Gia Lai cưỡng chế từ trích tiền gửi từ ngân hàng từ tháng 9/2017. Hơn một năm sau, ngày 30/11/2018, doanh nghiệp mới nộp đủ số tiền vào ngân sách và tài khoản hết tình trạng phong tỏa.
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trên HOSE gần đây cũng liên tục công bố các thông tin liên quan đến việc bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ triệu cho tới vài tỷ đồng, gồm Savico; HAGL Agrico; Fecon; FLC Faros, Tập đoàn Kido…
Nguyên nhân của những lời "tự thú" từ các doanh nghiệp về các khoản thuế bị phạt và truy thu những năm trước là việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã có quyết định yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải công bố khai thông tin liên quan tới các quyết định xử phạt vi phạm về thuế, kể cả những năm trước đó.
Theo Quang Thắng/Zing