Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã: ITA) vừa công bố thông tin về thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 24. Theo đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến, người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo không còn là người đại diện pháp luật cho Tân Tạo kể từ ngày 10/6/2023.
Người được bổ nhiệm vào vị trí thay cho bà Đặng Thị Hoàng Yến là ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc của Tân Tạo. Lý do thay đổi người đại diện pháp luật không được Công ty Tân Tạo tiết lộ.
Ông Phong sinh năm 1976, tham gia HĐQT của Tân Tạo từ năm 2006 với vai trò Thành viên HĐQT độc lập. Đến tháng 4/2019, ông bắt đầu giữ vai trò Phó tổng giám đốc công ty. Hồi đầu tháng 4/2023 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Phong được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tân Tạo thay cho ông Đặng Quang Hạnh, em trai bà Đặng Thị Hoàng Yến. Tại thời điểm 31/12/2022, ông Phong nắm 291.859 cổ phiếu ITA (tương ứng tỷ lệ 0,031%).
Sau khi có thông tin thay đổi người đại diện pháp luật, cổ phiếu ITA ghi nhận mức tăng kịch biên độ trong phiên 13/6 lên 6.390 đồng/cổ phiếu, với dư mua giá trần hơn 4,6 triệu đơn vị.
Theo tìm hiểu, bà Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959 tại Hải Phòng và tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Sau khi tốt nghiệp, bà công tác tại cơ quan Nhà nước 13 năm. Năm 1993, bà Yến đã thành lập Công ty TNHH Hoàng Yến, tiền thân của Tập đoàn Tân Tạo. Sau nhiều năm vắng bóng, từ năm 2020 trở đi, bà Yến đã xuất hiện trở lại tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của ITA.
|
Bà Đặng Thị Hoàng Yến. Ảnh: Internet. |
Việc thay đổi đăng ký kinh doanh, bỏ tên người đại diện pháp luật là Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến diễn ra ngay trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Tân Tạo đang có khá nhiều bất ổn.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, doanh thu thuần của ITA điều chỉnh tăng nhẹ từ mức âm 1.576 tỷ đồng trên báo cáo tự lập, lên mức âm 1.545 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 1% lên mức âm 215 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại giảm 81 tỷ đồng (tương đương 46%) so với báo cáo tự lập, xuống mức âm 258 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, ITA cho biết phần lỗ tăng thêm là do ghi nhận giảm gần 10 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành nhưng bị điều chỉnh tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại từ mức âm 91 tỷ đồng trên báo cáo tự lập lên 2,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ITA còn bị kiểm toán thực hiện điều chỉnh hồi tố làm giảm lợi nhuận trước và sau thuế năm 2021 lần lượt về mức âm 340 tỷ đồng và âm 404 tỷ đồng. Con số này trước hồi tố lần lượt là 329 tỷ đồng và 265 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lên đến 669 tỷ đồng.
Với kết quả này, Tân Tạo đã chính thức lỗ nặng 2 năm liên tiếp, khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2022 chỉ còn 366 tỷ đồng sau kiểm toán (giảm mạnh từ 1.126 tỷ đồng trên báo cáo tự lập). Vốn chủ sở hữu cũng theo đó giảm từ 10.861 tỷ đồng xuống dưới 10.100 tỷ đồng. Thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của ITA ở mức 12.221 tỷ đồng trong đó tiền mặt và tương đương chỉ còn vỏn vẹn 17,5 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 2.125 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh đến nhiều vấn đề trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của ITA liên quan đến thuyết minh các khoản mục như nợ tiềm tàng, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, quyết định của Tòa án và thông tin về hoạt động liên tục…
Sau hai năm thua lỗ, năm 2023, Tân Tạo đặt kế hoạch có lãi trở lại với mục tiêu doanh thu hơn 774,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 257,3 tỷ đồng. Quý đầu năm 2023, Tân Tạo doanh thu thuần đạt gần 62 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, giảm 8% so với quý I/2022...
Ở diễn biến khác, hồi tháng 9/2022, cổ phiếu ITA bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo vì vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định. Đến tháng 3/2023, HOSE duy trì diện cảnh báo với cổ phiếu ITA do công ty chưa khắc phục hết các nguyên nhân và tiếp tục vi phạm công bố thông tin trong 6 tháng kể từ ngày ra quyết định cảnh báo. Một tháng sau, ITA tiếp tục bị HOSE ra quyết định đưa vào diện cảnh báo vì tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của ITA.
Trong báo cáo khắc phục tình trạng cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo gửi HOSE mới đây, Tân Tạo cho biết đã khắc phục hết nguyên nhân cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và đề nghị HOSE đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện này.
Theo Tân Tạo, tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã công bố thông tin và khắc phục hết nguyên nhân đưa cổ phiếu ITA vào diện bị cảnh báo theo yêu cầu của HOSE. Công ty Tân Tạo cũng đã thực hiện đúng những quy định về công bố thông tin và thực hiện giải trình đầy đủ những thông tin yêu cầu của HOSE và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Việc tiếp tục kéo dài quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo đã gây thiệt hại nặng nề cho công ty, cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, ITA đề nghị HOSE ban hành quyết định đưa chứng khoán ITA ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.
Liên Hà Thái (tổng hợp)