Không phù hợp
Tuần qua, VN-Index tăng 22,28 điểm lên 1.124,44 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 104.393 tỷ đồng, tăng gần 60% so với tuần trước. Trong đó, phiên 7/12 ghi nhận sự bùng nổ với gần 1,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch. Tương tự, HNX-Index tăng 4,94 điểm lên 231.20 điểm. Thanh khoản trên HNX đạt hơn 12.899 tỷ đồng, tăng 68,4% so với tuần trước.
Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại đã bán ròng 5 phiên liên tiếp với 133 triệu đơn vị, giá trị bán ròng gần 3.954 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần về lượng và 4,6 lần về giá trị so với tuần trước. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 4,1 triệu đơn vị nhưng tổng giá trị vẫn là bán ròng hơn 73 tỷ đồng.
|
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động - chỉ mua được 110.000 cổ phiếu MWG.
|
Với thị trường Upcom, khối ngoại mua ròng 842.740 đơn vị, tổng giá trị vẫn bán ròng 30,5 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 4 - 8/12 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng hơn 136 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng gần 4.058 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần về lượng và gấp hơn 5,4 lần về giá trị so với tuần trước đó.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) - chỉ mua được 110.000 cổ phiếu MWG trong tổng đăng ký 1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ mua thành công là 11% tổng số đăng ký để nâng sở hữu lên 2,41% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 8/11 - 7/12.
Lý do không mua hết cổ phiếu đăng ký được ông Nguyễn Đức Tài đưa ra do diễn biến thị trường không phù hợp. Tiếp đó, từ ngày 12/12 đến 10/1/2024, ông Nguyễn Đức Tài đăng ký mua 500.000 cổ phiếu để nâng sở hữu lên 2,44% vốn điều lệ.
Trên thực tế, từ ngày 13/9 - 7/12, cổ phiếu MWG giảm gần 29%, từ 57.500 đồng về 40.850 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu MWG liên tục là tâm điểm bán ròng và rút vốn của khối ngoại.
Gần đây, cổ phiếu MWG là tâm điểm bán ròng, rút vốn của khối ngoại. Nếu như ngày 22/9, room ngoại tại MWG chỉ còn hở khoảng 9,32 triệu cổ phiếu thì tới ngày 7/12, khối ngoại có thể mua thêm tối đa 70,7 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang là 44,17%.
Trước đó, hàng loạt quỹ ngoại liên tục bán ra cổ phiếu MWG. Cụ thể, ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra 2.397.200 cổ phiếu. Ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra 1.338.300 cổ phiếu. Ngày 21/6, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra thêm 668.900 cổ phiếu. Ngày 24/7, Arisaig Asia Fund Limited bán ra 576.000 cổ phiếu. Ngày 28/8, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd tiếp tục bán thêm 2.102.900 cổ phiếu MWG. Ngày 10/11, nhóm quỹ liên quan Gordon Yeo/Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán 114.000 cổ phiếu MWG, giảm sở hữu xuống 4,997% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại MWG.
|
Gần đây, cổ phiếu MWG là tâm điểm bán ròng, rút vốn của khối ngoại.
|
Thêm nữa, nhóm quỹ Dragon Capital cũng liên tục bán ra cổ phiếu MWG. Trong đó, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán ra 979.600 cổ phiếu. Ngày 1/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra ròng 4.137.900 cổ phiếu MWG, giảm sở hữu về còn 6,91% vốn điều lệ.
Bên cạnh các nhà đầu tư ngoại, lãnh đạo MWG thời gian qua cũng liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu. Trong đó, ngày 13/7, ông Đặng Minh Lượm - Thành viên Hội đồng quản trị bán ra 300.000 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu về còn 0,22% vốn điều lệ. Từ ngày 7 - 8/9, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên Hội đồng quản trị bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu về còn 0,19% vốn điều lệ.
Coteccons lấn sân lĩnh vực cơ điện
Ông Trần Quang Cần - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam - VNECO (mã chứng khoán: VNE) - thông báo, vừa thoái xong toàn bộ vốn khỏi công ty. Cụ thể, ông Cần đã bán ra 5,86 triệu cổ phiếu VNE từ ngày 1 - 30/11 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Lý do thoái sạch vốn được ông Cần đưa ra là nhu cầu tài chính cá nhân. Trước đó, trong tháng 10, ông Cần đã 2 lần bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu với tổng 1,24 triệu cổ phiếu.
Trong thời gian đăng bán cổ phiếu, ông Cần cũng nộp đơn từ nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VNECO và được VNECO miễn nhiệm từ ngày 19/11. Cùng ngày, VNE đã bổ nhiệm bổ sung ông Phạm Phú Mai - thành viên Hội đồng quản trị VNE - vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VNECO nhiệm kỳ 2020 -2025 thay cho ông Cần.
Ông Cần mới được bổ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VNE từ ngày 23/2. Như vậy, chưa đầy 10 tháng nắm quyền, ông Cần đã quyết định rút chân khỏi VNECO.
|
Công ty CP Xây dựng Coteccons thông qua chủ trương mua lại 100% vốn của một công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ điện.
|
Ngoài ra, từ ngày 30/10 - 27/11, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VNECO - cũng bán ra 409.000 cổ phiếu theo phương thức thoả thuận, giảm sở hữu tại VNECO xuống còn hơn 2 triệu cổ phiếu.
Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) vừa thông qua chủ trương mua lại 100% vốn của một công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ điện. Coteccons cho biết, mục đích giao dịch là mở rộng hoạt động của Coteccons và tạo ra sự đa dạng hoá cho hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện nay là xây dựng, từ đó tăng thêm nguồn doanh thu cho tập đoàn và nâng cao thương hiệu Coteccons trên thị trường. Tuy nhiên, thông tin doanh nghiệp và giá trị thương vụ chưa được Coteccons công bố.
Tại thời điểm ngày 30/9, Coteccons đang sở hữu 7 công ty con, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, sửa chữa và lắp đặt phụ tùng… Vào ngày 6/10, Coteccons đã thông qua nghị quyết thành lập mới công ty con là Coteccons Constructions Inc để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng tại thị trường nước ngoài, cụ thể là cung cấp dịch vụ xây dựng. Hình thức đầu tư ra nước ngoài là bằng tiền mặt và nguồn vốn đầu tư hoàn toàn là vốn chủ sở hữu, không sử dụng vốn vay.
Theo Duy Quang/Tiền Phong