Cụ thể, doanh thu thuần trong năm 2020 của Mai Linh ghi nhận 1.574 tỷ đồng, suy giảm 29% so năm 2019. Giá vốn chiếm tới 1.278 tỷ đồng nên lãi gộp về còn 295 tỷ, cũng lao dốc 42%; tương ứng tỷ suất lãi gộp biên còn 17,8% trong khi năm trước là 22,8%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính không đáng kể với 40 tỷ, giảm 40%. Trong khi đó, chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng của Mai Linh khi chiếm 139 tỷ đồng (giảm 13,6%).
Kỳ này, Mai Linh cắt giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp xuống lần lượt là 113 tỷ và 346 tỷ đồng. Do đó, Mai Linh báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 264 tỷ đồng, cao hơn mức 148 tỷ của năm trước.
Nhờ ghi nhận 88 tỷ đồng lợi nhuận khác (giảm 41%) nên con số lỗ ròng của Mai Linh giảm xuống còn 173 tỷ đồng, nhưng vẫn cao hơn mức 5 tỷ của năm trước. Với mức lỗ năm 2020, nâng lỗ luỹ kế lên tới 1.209 tỷ đồng, sắp ngốn hết vốn góp của chủ sở hữu (1.246 tỷ).
Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Mai Linh suy giảm 350 tỷ xuống mức 4.481 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ còn khoảng 21 tỷ đồng, còn phải thu ngắn hạn khác đã tăng lên con số 1.031 tỷ đồng, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi chiếm 141 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, Mai Linh đang vay nợ ngắn và dài hạn tới 1.056 tỷ đồng; ngoài ra khoản phải trả ngắn và dài hạn vẫn liên tục tăng lên lần lượt là 915 tỷ và 1.028 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần trong năm 2020 của Mai Linh tiếp tục âm 26 tỷ, cao hơn mức âm 19 tỷ của năm trước chủ yếu do tiền trả nợ gốc vay, mua sắm tài sản, chi phí lãi vay, lỗ từ hoạt động đầu tư...
Theo tài liệu đại hội cổ đông năm 2021, Mai Linh có trình cổ đông kế hoạch đăng ký công ty đại chúng và thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, với hoạt động kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp như thế này thì tham vọng lên sàn chứng khoán của Mai Linh có thực hiện được?
Minh An