Masan với chiến lược “Point of Life”
Tại Việt Nam, những doanh nghiệp đang có tập khách hàng lớn nhìn thấy cơ hội xây dựng hệ sinh thái riêng của mình. Trong đó, phải kể đến The Sherpa, công ty con của Masan đã mua lại 70% cổ phần Mobicast, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Đây là bước đi chiến lược trong lộ trình hiện thực hóa nền tảng “Point of Life” của ông lớn Masan.
Sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp Masan Consumer, Techcombank, VinCommerce và Phúc Long, phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng.
Theo đó, cuối tháng 9/2021, Công ty The Sherpa (thuộc Masan Group) đã chi ra gần 300 tỷ đồng mua lại 70% cổ phần Mobicast - đơn vị sở hữu mạng viễn thông ảo (MVNO) Reddi với đầu số 055, qua đó mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Định giá của Mobicast thời điểm đó rơi vào khoảng 423 tỷ đồng.
Masan cho biết, việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để họ số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life”, mang đến trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt để mang đến giá trị cho người tiêu dùng.
|
Mạng di động ảo Wintel (tiền thân là Reddi) của Masan có đầu số 055. |
Bằng cách kết hợp với cơ sở dữ liệu khách hàng của Reddi, Masan sẽ xây dựng một nền tảng tích hợp, trong khi Reddi sẽ tiếp cận độc quyền tập khách hàng của Masan để qua đó tiết giảm chi phí thu hút khách hàng và có ngân sách tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số và nền tảng trải nghiệm cho khách hàng Việt Nam, vốn vẫn dùng khá nhiều dịch vụ thoại và SMS qua di động.
Đến tháng 11/2022, Reddi của Masan chính thức đổi tên thành Wintel, để phù hợp với hệ thống “Point of Life” tích hợp đa dạng nhu cầu người sử dụng gồm: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (WinTel).
FPT Retail vào cuộc với nhiều lợi thế
Cuối tháng 6/2023, FPT Retail (công ty con của FPT) được phép cung cấp các dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất, bao gồm dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced được cung cấp cho thuê bao viễn thông giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp. FPT Retail được phép cung cấp các dịch vụ này thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, tập trung vào định hướng phát triển các thuê bao sử dụng 3G/4G hoặc các công nghệ cao hơn.
Như vậy, FPT Retail sẽ cung cấp mạng di động ảo và sử dụng hạ tầng của các nhà mạng di động khác như Viettel, VNPT, MobiFone… Hiện FPT Retail chưa đưa ra thông tin sẽ chọn nhà mạng nào để sử dụng hạ tầng.
FPT Retail gia nhập thị trường viễn thông di động với rất nhiều lợi thế khi sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1300 cửa hàng dược phẩm Long Châu.
Mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu máy điện thoại smartphone và thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng. Bên cạnh đó, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh. FPT là đối tác của nhiều hãng công nghệ toàn cầu và đã cung cấp nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng, dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin cho các công ty viễn thông di động Việt Nam và quốc tế trong suốt hàng chục năm nay.
Thông tin từ FPT cho hay, thời gian để triển khai hệ thống kỹ thuật cho một nhà mạng di động ảo mới sẽ mất từ 12 đến 15 tháng, FPT Retail với lợi thế về công nghệ và sự hỗ trợ từ tập đoàn FPT kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian này và sớm cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
VNPay gia nhập cuộc chơi, mục tiêu vào top 5
Sau hơn 1 năm được cấp giấy phép mạng di động ảo (MVNO), ngày 7/7 vừa qua, mạng di động VNSky đã chính thức đi vào hoạt động với đầu số 0777.
VNSky được xem là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái số của VNPay - thành viên của Kỳ lân VNLife.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc mạng di động VNSky, sự bùng nổ của những nền tảng kết nối, học tập, giải trí và kinh doanh online kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu di động ngày càng cao. Điều này khiến việc dùng một sim có thể không đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng.
|
Sau FPT Retail, VNSky là mạng di động ảo tiếp theo đi vào hoạt động |
"Sự hiện diện của VNSky với định vị là SIM thứ hai mang đến data bất tận cùng giá cước rẻ, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn để kết nối không giới hạn với thế giới số mỗi ngày", ông Dũng nói.
Đại diện VNSky cho biết, công ty mục tiêu trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn nhất Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, VNSky sẽ kết hợp với những dịch vụ trong hệ sinh thái VNPay như ví điện tử, VNPay-QR, VnShop hay VNTaxi…
Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 5 mạng di động ảo là Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, Digilife và FPT Retail. Trong đó, mạng di động ảo của Đông Dương Telecom và Mobicast sử dụng hạ tầng của VinaPhone, còn mạng ASIM, Digilife và FPT Retail sử dụng hạ tầng của MobiFone. Duy nhất Viettel chưa có bất cứ một nhà mạng ảo nào có thể hợp tác, cho dù Viettel được cho là có hạ tầng mạnh nhất hiện nay.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, đến hết tháng 4/2023, các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam đã có hơn 2,5 triệu người dùng, chiếm 2,1% tổng số thuê bao di động trên cả nước.
Thị trường viễn thông hiện được cho là đã bão hòa, nhưng các nhà mạng ảo vẫn được đánh giá còn dư địa để phát triển khách hàng mới. Trong đó, các doanh nghiệp đi sau này có thể tập trung vào nhóm khách hàng ưu tiên giá rẻ, dung lượng data lớn như học sinh, sinh viên hay khách du lịch nước ngoài,... Ngoài ra, các nhà mạng ảo cũng có thể thu hút người dùng khi sở hữu lượng SIM số đẹp lớn.
Minh Châu (t/h)