Mất hơn 1 tỷ đồng chỉ sau khi nghe cuộc gọi tự xưng là công an

Google News

Sau khi điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng vào phần mềm có tên “ứng dụng bảo mật”, một người phụ nữ tại TP Đà Nẵng bị lừa hơn 1 tỷ đồng.

Ngày 6/8, Công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, đang vào cuộc xác minh, điều tra thông tin liên quan đến vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet.
Trước đó, Công an quận này tiếp nhận thông tin trình báo từ chị N.T.H.T (sinh năm 1983, trú phường Thanh Khê Tây) về việc bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng từ tài khoản ngân hàng.
Theo trình báo, chiều ngày 4/8, chị T nhận được cuộc gọi từ số 02471098935 với nội dung thông báo chị có liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại giao lộ đường Điện Biên Phủ giao Nguyễn Tri Phương.
Khi chị T trả lời không biết gì đến vụ việc trên thì được thông báo, thông tin cá nhân của chị đã bị lộ nên sẽ được chuyển máy đến Công an TP Đà Nẵng để được hỗ trợ.
Sau khi chuyển máy, một người tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng thông báo chị T có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và hướng dẫn chị tải phần mềm “ứng dụng bảo mật” về để khai báo.
Chị T làm theo hướng dẫn và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên phần mềm vừa tải. Sau đó, chỉ trong khoảng từ 17h17 - 20h20 cùng ngày, tài khoản ngân hàng của chị T bị trừ 7 lần với số tiền tổng cộng là 1,042 tỷ đồng.
Mat hon 1 ty dong chi sau khi nghe cuoc goi tu xung la cong an
Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới, nhưng đến nay vẫn có nhiều người tiếp tục “sập bẫy”, mất cả tỷ đồng (ảnh minh họa). 
Theo cơ quan công an, đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi, ít để lại dấu vết do tội phạm sử dụng công nghệ cao, khiến cho công tác điều tra phát hiện, ngăn chặn gặp không ít khó khăn. Mặt khác, loại hình tội phạm này có cả đường dây trong và ngoài nước, phối hợp với nhau rất chặt chẽ, nhắm tới những người nhẹ dạ, cả tin, ít hiểu biết pháp luật.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo qua mạng tinh vi như thế này. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất. Đồng thời, người dân cũng cần lưu ý, khi cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan chức năng khác cần làm việc với người dân, sẽ có giấy mời, giấy triệu tập để trực tiếp làm việc và không làm việc qua điện thoại.
Theo Cục Cảnh sát Giao thông khuyến cáo, theo các quy định liên quan của pháp luật trong lĩnh vực giao thông, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện, hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý. Do đó, người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email… cho bất kỳ ai, với bất kỳ hình thức nào. Khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị người dân phản ánh ngay tới cơ quan công an để được trợ giúp.
Cảnh báo 4 thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại phổ biến
Trước hết, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang.
Theo đó, chỉ với các đầu số giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng cho nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân. Tiếp đó, đối tượng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.
Tương tự, giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email… mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Hành vi lừa đảo được thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.
Cùng đó, giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó. Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.
Ngoài ra, các đối tượng tự giới thiệu là người nước ngoài, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, bị hại, người bị lừa đảo phải nộp các khoản tiền như: Thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.
Hữu Hậu