Trong căn phòng áp mái được sửa lại từ nhà kho căn hộ ở Seoul, Kim Min-kyo thường chơi game tới 15 tiếng/ngày và kiếm bộn tiền khi có hàng nghìn người theo dõi.
Chơi game giỏi và có khả năng bình luận hài hước, nhanh nhạy, chàng trai 24 tuổi có thể thu về 50.000 USD/tháng. Số tiền này đến từ khoản donate của người theo dõi và quảng cáo trên kênh video cá nhân, theo AFP.
"Tôi không thực sự thích những thứ như xe hơi hay tiêu pha phung phí. Mẹ là người quản lý tiền bạc cho tôi nên tôi thường không giữ nhiều tiền trong người", Kim cho biết. Dù giàu có, anh vẫn có thói quen ăn, ngủ, vệ sinh trong căn phòng nhỏ.
|
Kim kiếm được hàng chục nghìn USD mỗi tháng nhờ livestream.
|
Mỏ vàng kiếm tiền, danh tiếng
Những người phát sóng trực tiếp, còn gọi là BJ (Broadcast Jockeys) ở Hàn Quốc rất nổi tiếng trong giới trẻ, đặc biệt là nhóm ở độ tuổi 20. Họ lên sóng nhiều giờ mỗi ngày với nhiều hoạt động tương tác như trò chuyện, chơi game, nhảy múa, ăn uống, nhậu nhẹt hay thậm chí chỉ nằm ngủ.
Nếu có danh tiếng nhất định, các BJ có thể kiếm được khoảng 100.000 USD/tháng từ việc livestream trên các nền tảng như AfreecaTV hay đăng video trên YouTube.
Đối với Kim, anh thường livestream chơi game Liên Minh Huyền Thoại trong bộ đồ ngủ và xây dựng chủ đề nói chuyện xoay quanh các vấn đề về biên giới của đất nước.
"Đôi khi tôi cũng cần làm gì đó ngớ ngẩn, hài hước để thu hút người theo dõi", Kim cho biết.
Đối với các streamer, dịch bệnh đem lại cơ hội kiếm tiền. Trong 4 tháng đầu năm 2020, khi chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân ở nhà phòng dịch, thời gian mọi người xem video trên điện thoại thông minh tăng vọt, theo Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc.
AfreecaTV hiện có khoảng 17.000 streamer. Nền tảng này bán các "sao" với giá 110 won (0,10 USD)/"sao" cho người xem. Khán giả có thể tặng (donate) các "sao" này cho streamer trong khi tương tác với họ. Sau khi khấu trừ % cho nền tảng, streamer có thể đổi "sao" thành tiền.
|
Các streamer như Kim phát sóng trực tiếp nhiều tiếng mỗi ngày.
|
Chỉ trong quý 3 năm 2020, các khoản donate này đã tăng hơn 20%, lên 41,5 tỷ won.
“Thật đáng buồn khi dịch Covid-19 bùng phát, song phải thừa nhận rằng nó giúp ngành livestream phát triển", Joshua Ahn, giám đốc Starfish Entertainment, cho biết.
Doanh nhân truyền thông 44 tuổi đang quản lý hàng chục streamer hàng đầu và sản xuất các chương trình tạp kỹ cho một số đài truyền hình lớn ở Hàn Quốc.
Tất nhiên, chỉ một phần nhỏ streamer kiếm được số tiền khổng lồ. Tuy nhiên theo Ahn, những người từng kiếm được khoảng chục nghìn USD/tháng cũng đã có thu nhập gấp 2, thậm chí gấp 3 trong đại dịch.
Theo các nhà quản lý, doanh thu từ quảng cáo trên thiết bị di động ở xứ củ sâm đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn năm 2015 đến 2019, lên 4,56 nghìn tỷ won, vượt qua quảng cáo truyền hình.
"Giờ đây với các nền tảng video, ai cũng có thể làm một kênh cho mình", Ahn nói.
Không chỉ kiếm được nhiều tiền, một số streamer còn trở nên nổi tiếng, được mời tham gia các chương trình tạp kỹ và bình luận thể thao.
Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ kém nổi, chuyên gia phân tích tài chính hay thậm chí là chính trị gia cũng bắt đầu livestream để nâng cao độ nhận diện của mình.
Tranh cãi
Ở một quốc gia vốn đề cao học vấn như Hàn Quốc, "người sáng tạo nội dung" đã trở thành nghề nghiệp đứng thứ 4 trong cuộc khảo sát về công việc mong muốn nhất của học sinh tiểu học vào năm 2020.
Dù là "mỏ vàng" cho nhiều streamer xứ củ sâm, môi trường này thường xuyên có những tranh cãi xoay quanh việc thiếu quy định về phát sóng trực tiếp, từ việc không minh bạch trong việc quảng cáo đến các hành vi gợi dục. Một số streamer từng bị phản ứng vì có bình luận phân biệt giới tính hay hành vi bạo lực.
|
Nhiều nữ streamer Hàn Quốc sẵn sàng mặc hở hang để thu hút người xem.
|
Bên cạnh đó, dù vào giờ phát sóng nào, không khó để tìm được các nữ streamer ăn mặc hở hang trên AfreecaTV sẵn sàng nói chuyện theo phong cách dễ thương, nhảy sexy hay thậm chí gửi video riêng tư với mức giá phù hợp.
Một trong những xu hướng livestream bắt nguồn từ Hàn Quốc đã lan ra toàn cầu là mukbang (phát sóng ăn uống). Tuy nhiên, trào lưu này ngày càng vấp phải nhiều tranh cãi như có hình ảnh gợi dục hay thậm chí là phạm tội, ví dụ như đe dọa bạo lực với các đối thủ.
“Lý do nội dung của những streamer này trở nên khiêu dâm và bạo lực hơn là vì họ muốn tìm kiếm nhiều sự chú ý. Càng thu hút được nhiều khán giả, họ càng có cơ hội kiếm tiền tốt hơn", Hojin Song, nhà nghiên cứu tại Đại học bang California, cho biết.
Theo Mai An/ Zing