Đang hưởng mức lương cao ngất ngưởng, nhưng sau cú sốc dịch Covid -19 hàng không gần như “đóng cửa bầu trời”, máy bay nằm chờ khiến lương phi công, tiếp viên giảm chưa từng có.
Cơ trưởng tàu bay A321 của Vietnam Airlines Nguyễn Khánh Trình cho biết, khi dịch Covid -19 bùng phát, đường bay quốc tế đóng cửa, các đường bay trong nước giảm tần suất bay, ngành hàng không rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy, nhất là sau khi dịch bùng phát trở lại lần 2 ở Đà Nẵng.
Máy bay nằm chờ la liệt khắp sân bay, đội ngũ cán bộ công nhân viên thiếu việc nên mức thu nhập giảm mạnh.
Anh Trình chia sẻ, lương phi công, tiếp viên ngoài lương chức vụ trách nhiệm phụ thuộc nhiều vào sản lượng giờ bay, nêu không bay đồng nghĩa không có thu nhập.
“Trước khi chưa có dịch Covid -19 lượng cơ trưởng A321 khoảng hơn 300 triệu đồng/ tháng, nhưng hiện tại giờ bay ít, anh em phi công phải thay nhau bay nên mức lượng giảm chỉ còn 60-70 triệu đồng/ tháng.
|
Do không được bay nhiều, lương phi công, tiếp viên giảm mạnh.
|
Tiếp viên cũng vậy, nếu trước đây mỗi tháng thu nhập 40 triệu đồng/ thì nay chỉ còn 10 -15 triệu. Trong thời điểm khó khăn chung như hiện nay thì mỗi người đều muốn chia sẻ với hãng để chờ ngày hoạt động bay hồi phục trở lại”, anh Trình nói.
Do ảnh hưởng của dịch Covid -19, Vietnam Airlines buộc phải điều chỉnh giảm mạnh thu nhập bình quân của phi công và tiếp viên tới 50% so năm trước.
Cụ thể, mức lương phi công chỉ còn 77 triệu đồng/tháng, tương đương giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên và lao động mặt đất giảm lần lượt 52% (13,8 triệu đồng/tháng) và 55,5% (14 triệu đồng/tháng).
Vietnam Airlines cũng đã ngừng sử dụng phi công, tiếp viên nước ngoài và tiếp viên thuê ngoài; kịp thời điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, do khó khăn từ dịch Covid -19 hãng hàng không Vietjet cũng phải thực hiện giảm lương theo chức danh, thu nhập.
Theo đó, đội ngũ lãnh đạo Vietjet tình nguyện giảm 50% lương so với trước, riêng với những người có mức thu nhập 10 triệu đồng/ tháng trở xuống hãng này không điều chỉnh.
Đối với phi công, tiếp viên, trong thời điểm dịch bệnh, mức thu nhập phụ thuộc nhiều vào giờ bay, trong bối cảnh dịch bùng phát, giờ bay ít nên đa số hưởng lương cơ bản.
Trong bối cảnh bay hạn chế, hãng đã điều tiết sắp xếp để ai cũng được bay nhằm đảm bảo thu nhập, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Vietjet cũng không thực hiện chấm dứt hợp đồng với lao động nào cho đến thời điểm hiện tại.
Bamboo Airways cũng không cắt giảm lương cơ bản với cán bộ công nhân viên. Với phi công và tiếp viên bay giờ nào trả tiền giờ đó và được phân bổ đều để ai cũng có thể được bay, đảm bảo ổn định cuộc sống trong thời kỳ ảnh hưởng dịch bệnh.
Thay nhau bay
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam nhìn nhận, với tình hình kiểm soát dịch Covid -19 tốt, Việt Nam bắt đầu mở lại một số đường bay quốc tế. Tuy nhiên, nếu dịch trở lại thì hoạt động hàng không sẽ khó khăn vô cùng.
Thực tế, sau khi dịch Covid -19 bùng phát lần 2 tại Đà Nẵng, hàng không ngoài phải đóng cửa đường bay quốc tế thì chỉ hoạt động cầm chừng các đường bay trong nước. Hiện tại có hãng hàng không chỉ có 30% nhân viên đi làm, còn lại 70% ở nhà.
Với phi công, tiếp viên, việc hạn chế giờ bay đặt khiến các hãng không còn cách nào khác phải gọi luân phiên phi công, tiếp viên bay để duy trì công việc.
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ, thời gian qua Vietnam Airlines phải chia đều giờ bay cho phi công và tiếp viên. Kể cả trong giai đoạn hoạt động bay giảm sâu nhất tháng 8 vừa qua, Vietnam Airlines vẫn duy trì cho phi công, tiếp viên 30- 40h bay mỗi tháng.
“Việc duy trì này là rất quan trọng, bởi nếu phi công 3-6 tháng không bay việc đào tạo lại sẽ mất công và chi phí cũng sẽ tăng lên”, ông Hà nói.
Theo Vũ Điệp / Vietnamnet