Chỉ tay vào hai container hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp vừa nhập về từ Mỹ giữa tháng 12, bà Đặng Thị Tính (chủ một doanh nghiệp kinh doanh đồ gia dụng quy mô lớn ở Cát Linh, Hà Nội) nói bà rất vui vì năm nay mua được ngoại tệ giá rẻ để "chạy" lô hàng này.
Bà cho biết, sau khi tham khảo tỷ giá của một số ngân hàng, bà quyết định mua USD của Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank). Với cách này, tỷ giá bà Tính mua là giá giao ngay tại thời điểm giao dịch nhưng bà có thể trả trong vòng 2 ngày tiếp theo với giá khá thấp. "Tôi không những không cần ký quỹ trước ngày cam kết mua mà còn được ưu đãi tới 10 điểm so với giá niêm yết. Tôi tham khảo thì thấy tỷ giá giao ngay của Maritime Bank rất cạnh tranh, ngang với các đơn vị có lợi thế lâu năm về ngoại hối như Vietcombank và Eximbank mà thủ tục lại đơn giản", bà Tính giải thích.
Thực tế, sản phẩm giao dịch ngoại tệ của Maritime Bank có nhiều ưu điểm nổi trội so với thị trường. Đầu tiên nếu xét về giá, chi phí mua ngoại tệ tại đây khá ưu đãi. Theo chính sách hiện nay, nếu giao dịch số lượng lớn, khách hàng được ưu đãi từ 5-10 điểm so với giá yết khi mua USD và 30-40 điểm nếu mua các ngoại tệ khác. Tương tự, nếu bán ngoại tệ, chỉ cần bán trên 5.000 USD là đã được ưu đãi 5 điểm so với giá yết. "Nhờ những ưu đãi tỷ giá này mà chi phí tài chính của công ty tôi giảm đáng kể, tôi có thể nhập được nhiều hàng hơn", bà Tính nói.
Cũng như bà Tính, ông Ngô Gia Ngọc, giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm, cho biết Tết năm nay cũng kỳ vọng có doanh thu ổn hơn nhờ được nhân viên ngân hàng "mách" cho sản phẩm giao dịch ngoại tệ chéo. Với cách này, ông Ngọc có thể tận dụng được nguồn thu đầu vào là USD để tài trợ vốn với chi phí thấp cho nhu cầu nhập hàng bằng yen Nhật theo yêu cầu của đối tác.
Cụ thể, sản phẩm giao dịch ngoại tệ chéo cho phép khách hàng thực hiện đồng thời cả hai giao dịch mua (bán) giao ngay với một lượng ngoại tệ và giao dịch bán (mua) cùng một lượng ngoại tệ trong tương lai (chỉ có hai đồng tiền được sử dụng trong giao dịch). Trong đó kỳ hạn thanh toán của hai giao dịch khác nhau và tỷ giá của hai giao dịch được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp dù tính toán trước cuối năm sẽ cần vốn là ngoại tệ để nhập hàng hoá nhưng lại không có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu đối ứng như công ty của ông Ngọc, thường hay chọn cách giao dịch ngoại tệ kỳ hạn. Với cách này, doanh nghiệp có thể phòng ngừa biến động tỷ giá trong tương lai bởi đã được ngân hàng đảm bảo bán ngoại tệ với tỷ giá đã thoả thuận tại thời điểm cam kết.
Với vị thế ngân hàng được đánh giá có những sản phẩm ngoại hối đa dạng, Maritime Bank gần đây liên tục đưa ra những cải tiến về sản phẩm ngoại tệ cho các doanh nghiệp theo hướng không chỉ cạnh tranh về giá mà còn đa dạng, thuận tiện. Với các sản phẩm ngoại hối của mình, đại diện ngân hàng cho biết, mục tiêu là để khách hàng có thể tối ưu hóa việc sử dụng những nguồn tiền hiện có với các mức chi phí huy động vốn khác nhau. Đồng thời, quản lý tốt hơn dòng tiền của mình, tận dụng tối đa nguồn sẵn có và có cơ hội hưởng chênh lệch lãi suất tại từng thời kỳ.
Một lãnh đạo phụ trách về ngoại hối của Maritime Bank còn bổ sung, riêng với khách hàng muốn được vay ngoại tệ, Maritime Bank cung cấp thêm các giải pháp như MFine, Mfloat để cho vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất vay thông thường. Mức lãi suất áp dụng cho từng kỳ được xác định dựa trên biến động tỷ giá ngoại tệ.
Nhờ luôn nỗ lực tìm kiếm các sản phẩm ngoại hối phù hợp cho doanh nghiệp, năm 2017, Maritime Bank tiếp tục được ABF trao thưởng là Ngân hàng có dịch vụ ngoại hối tốt nhất, lần thứ 3 liên tiếp.
Giải thưởng là sự ghi nhận cho thành quả vượt trội của Maritime Bank trong suốt nhiều năm qua khi liên tục là một trong những ngân hàng TMCP dẫn đầu về lượng giao dịch ngoại hối với con số đạt được trong năm 2016 lên đến 51 tỷ USD. Bên cạnh con số giao dịch ấn tượng thì sự đa dạng về sản phẩm cũng là một trong các cơ sở quan trọng để ABF bình chọn Maritime Bank là Ngân hàng ngoại hối tốt nhất Việt Nam trong năm 2017.
PV