Thời gian gần đây, giá mít Thái liên tục xuống thấp và đạt mức giảm kỷ lục chỉ còn 3-4.000 đồng/kg mít xô và chỉ còn 1-2.000 đồng/kg đối với mít hàng chợ nên gia đình ông Nguyễn Văn Huỳnh, trú tại xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) ôm lỗ nặng.
Cách đây vài năm, thấy giá mít Thái luôn ở mức cao, có lúc lên đến 50-60.000 đồng/kg, nông dân có thể thu lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa nên gia đình ông đã chuyển đổi đất lúa sang trồng mít Thái.
Tuy nhiên, gần 2 năm nay, khi mít cho thu hoạch thì chỉ bán được vài quả nghịch vụ với giá 25-35.000 đồng/kg, còn lại vào mùa chỉ từ 5-10.000 đồng/kg. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên giá mít loại 1 chỉ 10.000 đồng/kg, loại 2 chỉ 7.000 đồng/kg, loại 3 chỉ từ 3-5.000 đồng/kg.
Giá thấp nhưng thương lái lại mua cầm chừng, người dân như ông Huỳnh phải tự hái rồi vận chuyển đến các điểm cân nên sau khi trừ chi phí vận chuyển, phân bón, tưới tiêu và chăm sóc thì lỗ nặng.
Ông Bé bên vườn mít đã đến kỳ thu hoạch của gia đình nhưng chưa có người mua.
Cách đây vài năm, gia đình ông Trương Văn Bé, trú tại P. Tiến Thành, TP. Đồng Xoài (Bình Phước) cũng bỏ ra số vốn hơn 100 triệu đồng để trồng 240 cây mít Thái trên diện tích hơn 3 sào của gia đình.
Những năm đầu, giá mít Thái luôn ổn định ở mức cao. Thấp nhất cũng chỉ ở mức 15.000 đồng/kg, cao nhất có khi lên tới 70.000 đồng/kg. Vì vậy, tính bình quân mỗi năm 2 vụ chính, gia đình ông thu về từ 150-220 triệu đồng.
Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, giá mít Thái liên tục xuống thấp chỉ còn 10.000 đồng/kg loại 1 và 2-3.000 đồng/kg loại 3, thậm chí mít Thái lá bàng chỉ còn 1.000 đồng/kg. Giá mít xuống thấp nhưng thương lái lại hạn chế thu mua nên gia đình ông phải bán lẻ từng quả cho người dân quanh vùng.
“Trong vườn nhà tôi còn hơn 2 tấn mít đang chín nhưng vẫn không thấy ai đến thu mua. Quả nào chín cây, nhà tôi phải mang đi bán lẻ với giá 50.000 đồng/quả, từ 9-10kg hoặc bóc múi bán với giá từ 10-15.000 đồng/kg. Nhiều khi bán không hết phải mang đi cho bớt hoặc bổ ra cho gà ăn”, ông Bé nói.
Mít chín không có thương lái thu mua, ông Bé phải bổ ra bóc múi bán lẻ với giá rẻ.
Chị Trần Cẩm Nhung, trú tại P. Tiến Thành, TP. Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết, gia đình chị vốn rất chuộng mít Thái. Hồi đầu tháng 2, khi mít vừa vào vụ, chị phải mua 1 quả mít với giá từ 300-400.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, mỗi quả mít như vậy chị chỉ mua với giá khoảng 50.000 đồng. “Hôm qua tôi mua 3 trái làm quà, mỗi trái 9-10kg nhưng chỉ có giá 50.000 đồng. Khi về, chủ vườn còn tặng thêm 1 trái tương tự. Chưa khi nào mít Thái rẻ như năm nay”, chị Nhung nói.
Theo tìm hiểu của PV, những năm gần đây, nhận thấy mít Thái được giá, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mít Thái.
Diện tích mít Thái ngày càng được nhân rộng theo kiểu tự phát đã khiến cung vượt cầu. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một lượng lớn mít Thái đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất khẩu được nên đã khiến giá mít Thái xuống thấp chưa từng có.
Theo Cẩm Thơ/ Dân Việt