Do hiện nay lượng xe đông, thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là đoạn 24 km từ An Phú (TP HCM) đến Long Thành (Đồng Nai) nên Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu để mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đề xuất của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM), trước mắt cần mở rộng đoạn từ nút giao An Phú (quận 2, TPHCM) đến Long Thành với chiều dài 24km quy mô mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng. Đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ giữ nguyên 4 làn xe như hiện tại vì vẫn đáp ứng được nhu cầu lưu thông đến năm 2040.
Sau năm 2040, đoạn từ nút giao An Phú, quận 2, TPHCM đến Long Thành cần được đầu tư mở rộng lên 10 làn xe.
|
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2015. (Ảnh: Báo Đầu Tư). |
Cửu Long CIPM đề xuất các phương án mở rộng đường cao tốc Long Thành cần bám sát với tiến độ hoàn thành của sân bay Long Thành và các tuyến đường đã quy hoạch như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch); cầu Cát Lái, …
Về nguồn vốn để mở rộng mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cửu Long CIPM đề xuất, phần mở rộng đoạn từ An Phú đến Long Thành từ 4 lên 8 làn xe cần tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng từ đầu tư công hoặc nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Bộ GTVT cho biết, đầu tháng 5.2020, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản cũng đã gửi thư quan tâm đối với dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến Bộ GTVT.
Theo Sở GTVT TP HCM, quỹ đất để phục vụ mở rộng đường cao tốc đoạn An Phú - Long Thành đoạn qua địa phận TP HCM đủ cho quy hoạch 10 làn xe.
Trong khi đó, theo Sở GTVT Đồng Nai, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã được quy hoạch với lộ giới rộng 120 mét nên đảm bảo cho nhu cầu quy hoạch mở rộng 10-12 làn xe trong tương lai.
Khánh Hoài (tổng hợp)