Nghề “biến đất thành cơm”
Ngôi làng Địa Linh (thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lâu nay được người dân khắp nơi biết đến là mảnh đất sản sinh ra tượng ông Công, ông Táo phục vụ người dân vào ngày 23 tháng Chạp.
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2021, men theo các con đường đi qua phố cổ Bao Vinh, chúng tôi đến ngôi làng Địa Linh xem người dân đúc tượng ông Táo.
Vào trong làng, liên hồi phát ra tiếng gõ cốc cốc đều tay tạo tượng. Hai bên đường có rất nhiều ông Táo được phơi nắng trước khi nung, những bàn tay tô tượng ông Táo thoăn thoắt cho kịp tiến độ.
|
Gạt phần đất thừa để tạo ra ông Táo |
Ngồi một góc trong nhà, người đàn ông 64 tuổi chăm chỉ cho đất vào chiếc khuôn gỗ lim có sẵn hình 2 ông, 1 bà Táo. Người này dùng chiếc lưỡi dao bằng dây phanh xe tải gạt đi phần đất thừa trên khuôn.
Chỗ nào lõm, ông cho thêm đất vào. Dùng tay gõ gõ chiếc khuôn trên khúc gỗ, một tượng ông Công ông Táo ra đời. Không nghỉ tay, người này lấy ít tro rắc vào khuôn gỗ để ông Táo tiếp theo không bị dính. Bức tượng rời khỏi khuôn được đặt xuống viên gạch đỏ để rút nước trước khi phơi. Một ngày kết thúc, ông tạo ra được trên dưới 300 tượng.
Người đàn ông U70 này là ông Võ Văn Nhật. Từ một thanh niên 25 tuổi ngày nào bắt đầu làm nghề của bố truyền lại, thấm thoắt đã hàng chục năm trôi qua, giờ người đàn ông này vẫn gắn bó với công việc “biến đất thành cơm”.
Nguyên liệu chính của nghề truyền thống này chính là đất sét. Đất sét được lấy từ cánh đồng màu mỡ phía sau làng hay mua ở nơi khác về.
Các cụ cao niên trong làng cho hay, xưa kia làng nổi tiếng có đất sét dồi dào. Thời nhà Nguyễn, nơi đây được chọn đặt “Nê ngõa tượng cục” chuyên làm gạch, ngói phục vụ xây lăng tẩm cho các vua quan ở xứ Huế. Từ đó, nghề làm tượng ông Táo được hình thành.
|
Phơi nắng tượng ông Táo.
|
Ông Võ Văn Nhật xếp tượng ông Táo mang đi sấy.
|
|
Để có đất làm tượng ông Táo, từ tháng 3 Âm lịch, họ chuẩn bị đất sét. Dân làng nhào nặn tạo cho đất dẻo.
Nghề làm ông Táo bận rộn nhất vào những tháng giáp Tết Nguyên đán.
“Để có tượng ông Táo đẹp, khâu quan trọng và vất vả nhất là làm đất và đúc. Phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất, rồi nhào đất chín. Khi nhồi vào khuôn phải ép chặt, nếu không tượng sau này bị méo. Loại tro phải trắng để tượng đẹp hơn”, ông Nhật chia sẻ.
Một mẻ tượng ông Táo được nung trong thời gian khoảng hai ngày, làm nguội hai ngày nữa.
Gần 40 năm làm nghề này, ông Nhật đếm không xuể số mẻ ông Công, ông Táo ra đời do chính đôi tay mình nhào nặn.
|
Bộ 3 tượng ông Táo trước khi mang đi phơi/sấy.
|
|
Vợ ông Nhật xếp tượng quanh lò nung để sấy.
|
Thu nhập thấp, chỉ còn 4 hộ giữ nghề
Đối diện nhà ông Nhật, các thành viên trong gia đình ông Võ Văn Nam - người có hơn 30 năm làm nghề, người xếp tượng, người tô tượng, người phơi tượng.
“Công đoạn xếp tượng vào lò rất quan trọng. Hơn nghìn tượng sắp xếp thành nhiều hàng nhiều lớp. Giữa các lối có khoảng trống để lửa cháy đều, tránh bị nổ, vỡ nát khi nung”, ông Nam cho hay.
Tượng ông Táo khi được nung xong xuôi sẽ được trang trí bằng màu, rắc bột kim tuyến bắt mắt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Trước đây, tượng ít được trang trí. Gần đây, để hợp thị hiếu người tiêu dùng, ông Táo được tô thêm lớp màu rực rỡ.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (28 tuổi, con dâu ông Nhật) cho hay, nghề làm ông Táo thu nhập không nhiều, đủ sống qua ngày vì sản phẩm bán với giá thấp từ 500-2.000 đồng/sản phẩm.
|
Miệt mài tô tượng.
|
Những bức tượng ông Táo hoàn chỉnh. |
|
“Làm cả ngày được khoảng 100.000 đồng. So với các công việc khác thì cho thu nhập thấp nhưng nhiều gia đình trong làng vẫn làm vì ngọn lửa đam mê với nghề”, chị Linh tâm sự.
Các cụ cao niên trong làng Địa Linh kể rằng, nghề làm tượng ông Táo ở Thừa Thiên - Huế ra đời sớm nhất gồm làng Địa Linh và làng Sình (huyện Phú Vang). Về sau, làng Địa Linh làm tượng, còn làng Sình chỉ làm vàng mã.
Vào thời trước, hầu như nhà nào ở làng này cũng làm tượng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, công việc này vất vả, thức khuya dậy sớm mà thu nhập thấp nên nhiều nhà bỏ nghề lâu đời này để kiếm nghề khác mưu sinh.
Ông Trương Đắc Giàu - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh - cho biết, trước đây, làng Địa Linh có nhiều hộ dân làm nghề đúc tượng ông Táo. Tuy nhiên, hiện làng này chỉ còn 4 hộ theo nghề. Nguyên nhân của sự giảm sút này, ông Giàu lý giải do thu nhập thấp, nhiều người dân không ham muốn đi theo nghề nữa nên nghề làm ông Táo dần mai một.
“Nghề làm ông Táo mang lại giá trị truyền thống của ngày xưa. Những ngày giáp Tết, nhiều người dân khắp nơi sẽ mua ông Công ông Táo để thay trong ngày tiễn ông Táo về chầu trời. Đây là một nét đẹp văn hóa", ông Giàu nhận xét.
Theo Quang Thành/ Vietnamnet