Cục Thuế Hà Nội cho biết từ đầu năm đến tháng 11, đơn vị này đã thu được 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử.
Có 5 nhóm đối tượng thương mại điện tử gồm: Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…); Cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến (online); Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng; Tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; Doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada...), điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng trung gian vận chuyển.
Trong đó, 465 cá nhân có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…) kê khai và nộp 56,1 tỷ đồng tiền thuế. Đáng chú ý, có một cá nhân đã kê khai, nộp 11 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Số thuế mà cá nhân này phải nộp được cộng dồn nhiều năm với số tiền chậm nộp phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng.
Trao đổi với Zing, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, cho biết mức thuế suất các cá nhân trên được áp dụng là thuế suất với hộ kinh doanh cá thể ngành nghề dịch vụ, bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, theo tính toán, cá nhân phải đóng 11 tỷ đồng tiền thuế ở trên (gồm 7 tỷ cho thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, 4 tỷ bị phạt do chậm nộp thuế) ước thu được khoảng 100 tỷ đồng từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube.
|
Nhóm cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, YouTube đóng góp số thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử rất tốt. Ảnh: Getty. |
Theo quy định về thuế, trong trường hợp người có thu nhập từ hoạt động thưởng mại điện tử không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Nếu người nộp thuế khai sai, khi cơ quan thuế phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cũng như tính tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cố tình trốn thuế, theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể bị xử phạt từ 1-3 lần số tiền chậm nộp, thậm chí có thể bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Đồng thời, với các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, cơ quan thuế Hà Nội sẽ có những biện pháp cưỡng chế để truy thu.
Ông Viên Viết Hùng, Phó cục trưởng Cục thuế Hà Nội, cho biết đối với doanh nghiệp, tổ chức có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài, cơ quan thuế đã quản lý theo luật và doanh nghiệp cũng đã tự giác thực hiện.
Hiện tại, Cục Thuế Hà Nội tập trung hướng dẫn nhóm các cá nhân/hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ bởi đây là đối tượng khó quản lý hơn.
“Cơ quan thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử và có đầy đủ thông tin để kiểm soát. Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các cá nhân/hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, để làm tốt vấn đề này, Cục Thuế Hà Nội thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà mạng cung cấp để có cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập phát sinh. Từ đó, vận động các cá nhân đó tự động kê khai và nộp thuế.
Ông Hùng nhấn mạnh trên địa bàn Hà Nội, bài toán quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã được đặt ra và đến thời điểm này có thể khẳng định Cục Thuế Hà Nội đã chủ động từng bước kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cũng từ giữa tháng 11, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo đó, về ngắn hạn, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, phối hợp với các bộ ngành như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… thực hiện quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Theo Văn Hưng/ ZingNews