Gia đình ngàn tỷ
Thông tin từ CTCK Bản Việt (VCI) cho biết, bà Trương Nguyễn Thiên Kim, vợ ông Tô Hải, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT của VCI mua thành công 5 triệu cổ phiếu VCI trong đợt công ty này chào bán 14,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 48.000 đồng/cp.
Với mức giá này, vợ ông Tô Hải chi ra tổng cộng khoảng 240 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 7/7, ông Tô Hải đã bất ngờ trở thành doanh nhân ngàn tỷ sau khi CTCK Bản Việt niêm yết hơn 100 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Ngay trước thời điểm lên sàn, ông Tô Hải đã nhận chuyển nhượng hơn 19 triệu cổ phần từ bà Trương Nguyễn Thiên Kim và nâng sở hữu lên gần 23 triệu cổ phần, tương đương 22,2% vốn của VCI.
|
Cuộc đấu tiền tệ giữa các đại gia luôn căng thẳng. |
Với mức giá 57.800 đồng/cp như hiện tại, ông Tô Hải đang sở hữu số lượng cổ phiếu trị giá hơn 1,3 ngàn tỷ đồng. Còn bà Trương Nguyễn Thiên Kim đã lời ra được khoảng 50 tỷ đồng và hiện đang nắm giữ số cổ phần trị giá khoảng 290 tỷ đồng.
Vợ chồng ông Hải và bà Kim là cổ đông lớn thứ nhất và thứ ba tại công ty chứng khoán khá nổi tiếng và có thị phần tăng nhanh trong vài năm qua này. Bà Nguyễn Thanh Phượng, người từng là chủ tịch và thành viên sáng lập VCI, đứng ở vị trí thứ 4 với 5 triệu cổ phiếu.
Trong vài ngày qua, trên thị trường OTC, giới đầu tư hào hứng với thông tin Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HOSE, trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, thông tin người nhà một phó chủ tịch VPBank tính chi gần 4 ngàn tỷ đồng để mua cổ phiếu tại ngân hàng này thực sự gây chú ý cho toàn thị trường.
Cụ thể, lần lượt vợ, mẹ và chị ông Lô Bằng Giang (Phó Chủ tịch HĐQT VPBank) đăng ký mua tổng cộng hơn 110 triệu cổ phiếu VPBank (tương đương khoảng 8,4% vốn điều lệ). Nếu thành công, ông Giang và những người liên quan là nhóm cổ đông lớn nhất tại NH này.
Sự thay đổi cơ cấu cổ đông tại VPBank cũng diễn ra rất mạnh thời gian gần đây. Cách đây vài tháng, Công ty Đầu tư Việt Hải, nơi ông Bùi Hải Quân (Phó chủ tịch VPBank) làm giám đốc, đã bán toàn bộ hơn 21,7 triệu cổ phiếu VPBank.
Giờ trước thềm niêm yết trên HOSE, VPBank có thể sẽ chứng kiến những giao dịch với khối lượng cổ phiếu lớn, giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Cơn sóng ngàn tỷ
Nhựng thương vụ đầu tư ngàn tỷ của các đại gia cùng với sự tham gia của đông đảo các thành viên gia đình, anh em họ hàng đang rất sôi động, nhất là khi hàng loạt tập đoàn lớn, ngân hàng đang tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước cũng như đưa cổ phiếu lên sàn.
Gần đây, giới đầu tư chứng kiến làn sóng chuyển nhượng cổ phần tại LienVietPostBank sau những chuyển biến về nhân sự chủ chốt. Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh chuyển nhượng gần 100 triệu cổ phiếu (gần 15%) LienVietPostBank.
Một loạt thành viên HĐQT và ban lãnh đạo cùng người thân đã tham gia mua bán cổ phiếu. Con trai chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng và con gái phó chủ tịch Nguyễn Đức Cử cũng có mặt trong cuộc đua này.
Trước đó, trên TTCK, giới đầu tư cũng chứng kiến rất nhiều vụ vào cuộc của đại gia đình các đại gia để mua gom cổ phiếu, như trường hợp vợ chủ tịch Thiên Nam chi hơn 30 tỷ đồng cho con gái chào mua công khai hơn 1,2 triệu cổ phiếu; hay vợ chồng chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ mua thêm cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51% hồi năm 2012...
Trước đây, trong cuộc chiến chống thâu tóm, cả gia đình ông Đặng Văn Thành cùng các công ty liên quan đã mua vào lượng lớn cổ phiếu Sacombank (STB) để tránh bị thâu tóm nhưng bất thành. Sacombank rơi vào nhóm cổ đông đứng sau là Trầm Bê, trước khi sáp nhập với SouthernBank.
Sau mỗi làn sóng chuyển nhượng cổ phần, giao dịch đột biến và kết quả là "thay máu" cổ đông, doanh nghiệp hay ngân hàng sẽ chứng kiến các thay đổi trong dàn lãnh đạo. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp trải qua một lần tái cấu trúc, như trong trường hợp Gỗ Trường Thành, Sacombank, Ngân hàng NCB, Eximbank,...
Phần lớn doanh nghiệp sẽ ổn định trở lại, tuy nhiên, không ít nơi phải chứng kiến sự bất ổn kéo dài. Gần đây, việc thay đổi cổ đông tại CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) cũng có rất nhiều vướng mắc. Nhóm cổ đông vừa thâu tóm lượng cổ phần chi phối chưa thể ứng cử được vào vị trí chủ tịch do chưa đủ tối thiểu 6 tháng theo quy định.
Trên thực tế, hoạt động mua bán thâu tóm giúp cho doanh nghiệp phát triển, giúp cho cổ phiếu có thêm tính thanh khoản và thị trường chứng khoán sôi động. Tuy nhiên, đằng sau mỗi một đợt mua bán như vậy là một cuộc chiến và nếu không có sự hợp tác giữa các bên thì thiệt hại sẽ rơi vào chính DN, các cổ đông, bao gồm rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ.
Vì thế, việc tái cấu trúc, nhất là tái cấu trúc nhân sự, phải đảm bảo yếu tố hài hòa và sự kế thừa văn hóa công ty, phát huy sức mạnh nội lực của doanh nghiệp.
Theo V.Hà/Vietnamnet