Một nông dân ở Hà Giang hết nghèo nhờ mô hình kinh tế tổng hợp

Google News

Với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh Cháng Văn Páo đã nỗ lực vượt khó, bước đầu thành công với mô hình kinh tế tổng hợp, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ở ngoài thành phố Hà Giang không xa nhưng nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, song Cháng Văn Páo luôn nuôi quyết tâm sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm sản xuất lại thiếu vốn phát triển kinh tế nên gia đình anh nhiều năm liền vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã.
Mot nong dan o Ha Giang het ngheo nho mo hinh kinh te tong hop
Trồng cây rau bắp cải trái vụ giúp gia đình anh Cháng Văn Páo có thêm thu nhập. 
Anh Cháng Văn Páo kể lại: "Những năm trước, người dân trong thôn chủ yếu nuôi, trồng những cây, con truyền thống như: gà, vịt, ruộng lúa, nương ngô, rừng luồng, đồi cọ..., tuy cho thu nhập ổn định nhưng hiệu quả kinh tế không cao".
Những năm gần đây, nhờ định hướng tuyên truyền phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, anh đã đầu tư chuồng trại để nuôi lợn đen bản địa sinh sản và lợn thương phẩm. Từ những con giống ban đầu, đến nay, đàn lợn đen của gia đình anh đã tăng hàng chục con, mỗi năm bán ra thị trường 2 lứa, cho thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/năm".
Giống lợn đen bản địa thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên. Để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát, được khử trùng thường xuyên. Thức ăn cho đàn lợn được nấu từ ngô, chuối, rau đậu nên chất lượng thịt thơm ngon, giá thành cao hơn so với giá thịt lợn bình thường.
Cùng với chăn nuôi, anh Cháng Văn Páo còn trồng và chăm sóc, chế biến chè. Giữ cách làm chè truyền thống bằng máy xao chè mini, sản phẩm chè Shan tuyết của gia đình anh làm ra đượm vị thơm, đậm đà, được nhiều người biết đến. Nhờ có nguồn thu từ cây chè đạt trên 40 triệu đồng, anh cũng có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, chăn nuôi và làm nhà ở kiên cố.
Mot nong dan o Ha Giang het ngheo nho mo hinh kinh te tong hop-Hinh-2
Sản phẩm chè Shan tuyết của gia đình anh làm ra đượm vị thơm, đậm đà, được nhiều người tin dùng. 
Không để cho đất ngừng nghỉ, Cháng Văn Páo còn tiên phong trồng rau chuyên canh trái vụ trên những thửa ruộng bậc thang, diện tích khoảng 2.000m2. Cuối tháng 10, khi tiết trời se lạnh, những loại rau bắp cải, su hào, cà chua, dưa chuột, dưa lê, dưa hấu... trồng sớm đã vào vụ thu hoạch.
"Việc trồng rau vừa giúp cải thiện đời sống hàng ngày, vừa có rau bán để thêm thu nhập cho gia đình. Vụ vừa qua, tôi bán được 20 triệu đồng tiền rau. Nếu trồng thử nghiệm thành công thì từ vụ sau tôi sẽ làm nhà lưới trồng rau, quả quanh năm", anh Cháng Văn Páo chia sẻ thêm.
Mot nong dan o Ha Giang het ngheo nho mo hinh kinh te tong hop-Hinh-3
 Anh Cháng Văn Páo với mô hình nuôi lợn đen bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Thiện, Nguyễn Đức Quang cho hay, Hội viên nông dân Cháng Văn Páo là người năng động, dám nghĩ, dám làm, có ý chí, nghị lực vươn lên.
Qua đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm giàu của các hội viên nông dân, anh đã mạnh dạn áp dụng các mô hình mới vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh những nguồn thu chính từ nuôi lợn đen bản địa, sản xuất chè, trồng rau, anh còn có thu nhập từ việc nuôi gà, trồng Thảo quả, trồng quế.
"Ngoài hỗ trợ một phần kinh phí về giống cây trồng mới, Hội Nông dân xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích anh Páo mở rộng diện tích trồng rau theo hướng an toàn gắn với duy trì các mô hình chăn nuôi hiện có, tiếp thêm động lực cho bà con nông dân thôn Cao Bành trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững", ông Quang cho biết thêm.
Thông qua mô hình phát triển kinh tế của anh Cháng Văn Páo, đồng bào dân tộc Dao thôn Cao Bành cũng đã học tập, làm theo và ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó làm giàu chân chính trên mảnh đất quê hương.

Theo Nguyễn Quân/Dân Việt