Sau phản ánh của báo Tiền Phong về tình trạng một số người rao bán lại đặt chỗ, vé tàu dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hoặc giả làm nhân viên đại lý, nhân viên đường sắt nhận tiền mua vé sau cắt liên lạc, đường sắt vừa phát cảnh báo người dân.
Doanh nghiệp vận tải đường sắt ghi nhận, hiện trên các trang mạng xuất hiện nhiều người rao bán, nhượng lại vé tàu Tết, hoặc đặt chỗ với giá rẻ hơn giá do ngành đường sắt ban hành.
|
Đường sắt cảnh báo người dân không mua lại vé tàu Tết được rao bán trên các trang mạng xã hội, tránh rủi ro, chi phí khi đi tàu.
|
Để tránh mua phải vé giả, vé không hợp lệ, đường sắt lưu ý hành khách khi mua vé và đi tàu, đặc biệt với vé tàu dịp Tết sắp tới, nếu mua trực tiếp, chỉ nên tới các ga đường sắt, đại lý bán vé tàu hỏa. Trường hợp mua vé trực tuyến, chỉ qua tổng đài của đường sắt (số 19000109); trang bán vé điện tử của ngành đường sắt (dsvn.vn); ứng dụng bán vé tàu của đường sắt; và một số ứng dụng thanh toán trực tuyến của các tổ chức tín dụng, ngân hàng...
Đường sắt khuyến cáo người dân không mua lại vé tàu của người khác (bán lại), vì khách chỉ được vào ga và lên tàu khi thông tin trên vé tàu khớp với thông tin giấy tờ các nhân kiểm soát tại cổng ga (ảnh, họ tên, căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân/giấy khai sinh/hộ chiếu).
Trường hợp khách đi tàu có vé không đúng với thông tin cá nhân, hoặc không có vé, phải mua vé bổ sung tại ga với số tiền cao hơn 1,3 lần giá trị ghi trên vé. Đường sắt dự kiến sẽ tăng số tiền thu chênh lệch lên 2 lần trong thời gian tới.
Về tình hình bán vé tàu Tết Nguyên đán sắp tới, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, tới nay số vé Tết trên toàn mạng đường sắt còn khoảng 63.000 chỗ.
Trong đó, giai đoạn trước Tết, chiều từ TPHCM đi Hà Nội còn khoảng 15.000 chỗ, chủ vé tàu đi từ ngày 12 - 14/1 (tức 21-23 tháng Chạp) và 19-21/1 (tức 28-30 tháng Chạp).
Giai đoạn sau Tết, chiều từ Hà Nội đi TPHCM còn hơn 44.000 chỗ, cho các tàu đi từ ngày 21/1 – 5/2 (tức từ mùng 1 - 15 tháng Giêng).
Theo Lê Hữu Việt/Tiền Phong