Tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, nhận được nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, xuất khẩu hàng hóa khởi sắc… giúp thu nhập của người Việt Nam (VN) gia tăng. Từ đây, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá người dân VN bắt đầu giàu có.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng lo ngại VN đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và tụt hậu so với các nền kinh tế khác.
Sức mua là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ giàu có của xã hội. Trong ảnh: Khách hàng đang tìm mua ô tô. Ảnh: PM
Việt Nam sẽ vượt Philippines về thu nhập
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thu nhập bình quân đầu người của người VN sẽ đạt mức 3.497 USD, vượt qua người Philippines với 3.372 USD vào cuối năm 2020. Giới chuyên gia Philippines tin rằng đây là dự báo khá chính xác.
Ông Ruben Carlo Asuncion, Kinh tế trưởng của Ngân hàng UnionBank of the Philippines, cho rằng chính việc xử lý tốt dịch bệnh của VN đã giúp đất nước này gia tăng thêm sự cách biệt khoảng cách thu nhập với Philippines. Vì trước khi dịch COVID-19 diễn ra, VN đã ở quỹ đạo tăng trưởng nhanh hơn Philippines.
Cùng với đó, VN đã thực thi hiệu quả việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như đã áp dụng chiến lược đúng đắn là tập trung vào cải thiện năng suất nông nghiệp, tăng trưởng sản xuất cho ngành công nghiệp nhẹ và xuất khẩu. Do đó, việc VN vượt qua Philippines không có gì đáng ngạc nhiên.
Giàu vật chất là chưa đủ
Sự giàu có thực sự của người Việt không chỉ nhìn tuyệt đối về vật chất, mà cần thêm vào đó sự hưởng thụ tối đa về các giá trị văn hóa và tinh thần. Nhìn về thước đo người Việt đã có thể mua được ô tô tiền tỉ, những sản phẩm xa xỉ để xem đó là giàu có là chưa đủ.
Hơn nữa, sự giàu có hiện nay mới chỉ nằm trong một bộ phận nhỏ được hưởng các lợi ích từ tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế TRẦN THANH HẢI
|
Nhiều dự báo khác cũng cho rằng trong một thập niên nữa VN sẽ vượt qua nhiều nền kinh tế mạnh khác trong khu vực. Chẳng hạn, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) mới đây dự báo VN sẽ cho thấy khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch và sẽ tăng tốc mạnh mẽ.
“Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6%/năm đến năm 2035, VN sẽ vượt qua Đài Loan về quy mô và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia. Đồng thời, VN cũng sẽ là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2023 và đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người đạt 11.000 USD/người” - JCER nhận định.
Theo TS John Walsh, ĐH RMIT VN, kinh tế VN đã dịch chuyển mạnh mẽ từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình nhờ vào tập trung sản xuất định hướng cho xuất khẩu dựa trên nền tảng cạnh tranh chi phí nhân công thấp. Nếu không có đại dịch làm chậm chân thì nền kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ vào mô hình kinh tế hiện tại đang chạy đà khá tốt.
Thực tế, những thương hiệu cao cấp nhất thế giới đều đã mở cửa hàng trực tiếp tại VN để phục vụ khách Việt. Hầu hết những ông trùm này đều tin rằng người Việt đã thu nhập ở mức cao và hình thành tầng lớp giàu có để đủ tiền mua những sản phẩm xa xỉ, đắt đỏ. Bởi sự tăng nhanh của thu nhập bình quân đầu người sẽ tác động đến cơ cấu theo hướng tăng chi tiêu cá nhân và hộ gia đình, làm tăng quỹ mua dân cư.
“Trên bình diện quốc tế, những ông chủ Việt đã xuất hiện trên bảng xếp hạng tỉ phú USD thế giới, thậm chí đã có người lọt vào tốp 200 người giàu nhất thế giới” - TS John Walsh dẫn chứng.
Người Việt đã giàu có chọn những sản phẩm xa xỉ và đắt tiền
Khoảng cách còn xa
Tuy đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ nhưng nhiều chuyên gia lưu ý rằng: Để đất nước thực sự vươn lên giàu có thì VN vẫn còn một khoảng cách xa. Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải phân tích: VN có xuất phát điểm thấp. Nhờ vào sự đổi mới, các thành tựu kinh tế và đầu tư nước ngoài tạo ra mức tăng trưởng nên nhiều người đổi đời, có nhà, có xe và do đó dễ ngộ nhận nước ta đang giàu lên nhanh.
Chẳng hạn VN được khen sẽ vượt qua Philippines về thu nhập đầu người trong thời gian tới, có nghĩa là chúng ta sẽ giàu lên. Tuy nhiên, đừng ngộ nhận về điều đó, vì hàng thập niên trước Philippines từng được các tổ chức quốc tế xem là mô hình điển hình chuyển từ nước thu nhập thấp bước vào hàng ngũ các nước phát triển tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan. Thế nhưng đến nay nước này vẫn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình mà không thể chuyển sang nước có thu nhập cao.
“Vì họ vẫn không thể vươn lên sở hữu ưu thế nguồn nhân lực trình độ cao và kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm mới mang tính cạnh tranh, giúp gia tăng thu nhập. VN cũng dễ rớt vào cái bẫy này nếu không rút ra các bài học kinh nghiệm” - ông Hải nhấn mạnh.
Nhiều người vào nhóm trung lưu
Một báo cáo của World Bank đã chỉ ra VN có sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu, nhóm người có mức sống trên 15 USD/ngày.
Cụ thể, giai đoạn 2014-2016, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập nhóm trung lưu, giúp tầng lớp này từ chiếm 7,7% dân số năm 2010 lên 13,3% dân số năm 2016. Đến năm 2018, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 16,3% dân số VN.
Người Việt siêu giàu tăng nhanh
Báo cáo Thịnh vượng 2020 của Công ty tư vấn Knight Frank công bố hồi tháng 5 cho thấy số lượng người siêu giàu tại VN vẫn tiếp tục tăng nhanh. Theo đó, đến hết năm ngoái, VN đã có 458 người với giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên (tương đương khoảng 700 tỉ đồng), tăng 7% so với một năm trước.
Báo cáo này đưa ra dự báo cho giai đoạn năm năm tới, lượng người siêu giàu tại VN tăng khoảng 64%. Dự báo này dựa vào dữ liệu về GDP dự tính, giá nhà, hiệu suất vốn chủ sở hữu, lãi suất và các loại tài sản khác mà cá nhân nắm giữ.
Báo cáo cũng cho hay VN đã có năm tỉ phú vào cuối năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên sáu vào năm 2024.
Đồng quan điểm, TS John Walsh, ĐH RMIT VN nhận định: Kinh tế VN đã thành công khi đạt mức thu nhập trung bình nhưng chưa thể vươn lên thu nhập cao. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, mô hình kinh tế VN cần hướng đến sự sáng tạo và đổi mới hơn, tương tự theo mô hình kinh tế Hàn Quốc.
Ngoài ra, các tính toán của các tổ chức quốc tế cho rằng quy mô kinh tế VN vượt lên Singapore, Đài Loan hay Malaysia có thể xảy ra trong thời gian tới. Song điều đó không có nghĩa là mỗi người VN có thể đạt mức sống như các nước này.
Nguyên nhân là dân số VN lớn hơn, sự tăng trưởng GDP có sự đóng góp nhiều từ các công ty nước ngoài đang thu lợi nhuận trên đất Việt. Trong khi chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, năng suất lao động của VN chưa được cải thiện nhiều. Đó là chưa kể chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng và vấn đề già hóa dân số.
Theo Pháp luật TPHCM