Mức lương thấp nhất của công chức trước và sau khi cải cách tiền lương

Google News

Dự kiến, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp tại thời điểm cải cách tiền lương.

Mức lương công chức thấp nhất hiện nay
Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tiền lương công chức, viên chức được tính bằng công thức sau: Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương.
Trong đó, hệ số lương hiện hưởng đang được quy định cụ thể tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo nguyên tắc công chức được bổ nhiệm vào ngạch nào thì được xếp lương theo ngạch đó.
Muc luong thap nhat cua cong chuc truoc va sau khi cai cach tien luongHiện nay, công chức có mức lương thấp nhất là 2,4 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,8 triệu đồng/tháng. Theo đó, với công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương), có mức lương cao nhất 14,4 triệu đồng/tháng.
Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương) có mức lương thấp nhất 2,4 triệu đồng/tháng
Đây được xem là cách tính lương "cơ bản" với mỗi công chức bởi ngoài lương, công chức còn được hưởng phụ cấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng các khoản phụ cấp giống nhau.
Mức thấp nhất sau cải cách tiền lương
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó, đáng chú ý là nội dung thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.
Muc luong thap nhat cua cong chuc truoc va sau khi cai cach tien luong-Hinh-2Từ 1/7/2024 sẽ cải cách tổng thể chính sách tiền lương (Ảnh minh họa: Hoa Lê).
Theo Nghị quyết 27, khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.
Thay vào đó, nhà nước xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).
Như vậy, sau khi cải cách tiền lương, lương cơ bản của công chức viên chức sẽ chiếm khoảng 70% tổng lương.
Nghị quyết 27 cũng đưa ra mục tiêu tăng mức lương công chức, viên chức với những bước cơ bản để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực công với khu vực doanh nghiệp.
Cụ thể, lộ trình đề ra ban đầu, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, tại thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, tiền lương thấp nhất công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Đến cuối lộ trình cải cách, tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Hiện nay, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Theo Lê Thanh Xuân/Dân trí