Nằm giữa "rốn rùa", nhiều khách sạn cỡ lớn Hà Nội vẫn "lỗ đậm"

Google News

Cùng sở hữu vị trí đắc địa tại thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, nhiều khách sạn cỡ lớn hiện nay đang hoạt động trong tình trạng kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ.

Khách sạn Kim Liên, Thắng Lợi, Movenpick hay Metropole… đều là những khách sạn nổi tiếng tại Hà Nội. Tuy nhiên, không phải khách sạn nào trong số này cũng hoạt động hiệu quả so với số vốn khổng lồ mà các ông chủ tại đây đã chi ra.
Khách sạn nghìn tỷ, lợi nhuận bèo bọt
Để trở thành cổ đông sở hữu 52,4% vốn tại khách sạn Kim Liên, Tập đoàn Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy (tức bầu Thụy) đã phải chi ra trên 1.000 tỷ đồng mua lại từ đợt thoái vốn vào cuối năm 2015 của SCIC.
Với giá cao gấp 10 lần giá khởi điểm, bầu Thụy vượt qua hàng loạt nhà đầu tư có tiếng cũng tham vọng mua lại khách sạn Kim Liên khi đó như Văn Phú Invest, Phú Mỹ, Cơ điện lạnh REE…
Tuy nhiên, sau gần 4 năm về tay, kết quả kinh doanh của khách sạn Kim Liên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng so với số tiền bầu Thụy đã chi ra.
Cụ thể, đạt lợi nhuận dương trong 3 năm gần nhất (2016-2018), nhưng đến cuối năm 2018, khách sạn Kim Liên vẫn đang lỗ lũy kế gần 9 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán.
Trong những năm gần đây, lãnh đạo khách sạn cũng thừa nhận do nhiều khó khăn khác nhau mà lượng khách tới lưu trú đã giảm đáng kể. Trong khi đó, doanh thu dịch vụ nhà hàng cũng giảm mạnh vì gặp phải sự cạnh tranh của các đối thủ khác.
Năm 2018, doanh thu từ hai dịch vụ này đã giảm hơn 43 tỷ đồng và chỉ hoàn thành chưa tới 60% kế hoạch đề ra. Điều này khiến doanh thu kinh doanh cả năm của khách sạn Kim Liên giảm hơn 30% trong năm vừa qua.
Nam giua
 
Nếu theo đúng kế hoạch, hết năm nay khách sạn này mới bù đắp hết lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán. Từ đó, khách sạn mới có lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông và khoản đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng bầu Thụy chi ra mới bắt đầu thu về những con số lợi nhuận đầu tiên.
Một khách sạn nghìn tỷ khác tại Hà Nội nhưng doanh thu cũng "bèo bọt" là khách sạn Thắng Lợi tại số 200 Yên Phụ, Tây Hồ.
Cụ thể, vốn điều lệ của khách sạn này lên tới 980 tỷ đồng nhưng doanh thu hàng năm chỉ đạt vài chục tỷ, số lợi nhuận thu về cũng khiêm tốn dưới 10 tỷ đồng.
Năm 2018, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây chỉ đạt vỏn vẹn 42 tỷ đồng, giảm 21% so với năm trước. Phải nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 10 tỷ thì khách sạn này mới ghi nhận khoản lãi trước thuế 9,3 tỷ đồng.
Theo lý giải từ lãnh đạo khách sạn, năm qua, dù doanh thu thấp, lượng khách ít, khách sạn vẫn phải duy trì lượng nhân viên tối thiểu để kinh doanh dẫn đến tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu rất cao.
Chỉ tính riêng chi phí lương và bảo hiểm của nhân viên đã chiếm gần 40% doanh thu. Thậm chí, nếu tính cả các chi phí thường xuyên như điện nước, bảo vệ, ăn ca và chưa tính giá vốn thì tỷ lệ này đã là 55% tổng doanh thu.
Năm 2019, khách sạn này cũng chỉ dự kiến đạt 52 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, tăng 34%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng sẽ tăng gấp 3, đạt gần 29 tỷ đồng.
Đóng góp chủ yếu vào số lợi nhuận trên là doanh thu từ hoạt động tài chính, thông qua số tiền gửi ngân hàng lên tới hơn 860 tỷ đồng của mình.
Nam giua
Khách sạn Thắng Lợi sở hữu khu đất rộng tới 40.000 m2 và nằm cạnh hồ Tây. Ảnh: KS Thắng Lợi. 
Thực tế, nhiều năm gần đây doanh thu hoạt động khách sạn của Thắng Lợi còn thấp hơn hoạt động tài chính nhờ lượng tiền gửi lớn.
Nguyên nhân khiến Thắng Lợi phải mang phần lớn vốn đi gửi ngân hàng do công ty này vẫn đang chờ phê duyệt xây dựng Dự án khách sạn Thắng Lợi tại số 200 Yên Phụ và Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (Công viên Hello Kitty) tại số 151 -153 Yên Phụ.
Ngoài ra, công ty này cũng đang xin cấp phép xây dựng khách sạn Hilton Hanoi Westlake tại cùng khu vực nói trên.
Khách sạn Movenpick âm vốn gần 40 tỷ đồng
Khách sạn Movenpick tại 83A phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm được thiết kế theo tiêu chuẩn 4 sao, trong khuôn viên khách sạn còn có riêng một khu kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài với 38 máy cược.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính giữa niên độ (kết thúc ngày 31/12/2018) của Công ty CP Roxy Việt Nam (chủ sở hữu Movenpick) cho biết khách sạn này đang lỗ lũy kế gần 206 tỷ đồng.
Số lỗ này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn vượt quá vốn điều lệ (145 tỷ đồng) khiến khách sạn này phải hoạt động trong tình trạng âm vốn.
Số lỗ hàng trăm tỷ đồng này đã có từ trước năm 2014, và sau nhiều năm kinh doanh có lợi nhuận dương Movenpick vẫn chưa thể bù đắp hết.
Nam giua
Khách sạn Movenpick đã hoạt động trong tình trạng âm vốn nhiều năm liền. Ảnh: Movenpick. 
Thậm chí, trong nhiều kỳ báo cáo tài chính, đơn vị kiểm toán luôn có ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của khách sạn này do khoản lỗ lũy kế quá cao.
Trong báo cáo mới nhất, kiểm toán viên cho biết tại ngày 31/12/2018, công ty đã phát sinh một khoản lỗ lũy kế gần 206 tỷ đồng, thâm hụt vốn lưu động gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này có nghĩa vụ hoàn trả một phần khoản vay dài hạn trong vòng 12 tháng tới, với số tiền 20 tỷ đồng.
“Những vấn đề này gây nên nghi vấn đáng kể tới khả năng tiếp tục hoạt động của công ty”, kiểm toán viên nêu ý kiến nhấn mạnh.
Thực tế, dù hoạt động kinh doanh của Movenpick đã có xu hướng hồi phục, với số lợi nhuận mỗi kỳ chỉ đạt vài chục tỷ đồng, khách sạn này sẽ mất rất lâu mới có thể bù đắp hết số lỗ lũy kế hơn 200 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán.
Cùng nằm trên phố Lý Thường Kiệt, nhưng hoạt động của khách sạn Melia Hà Nội lại khỏi sắc hơn rất nhiều Movenpick.
Theo báo cáo của Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội - HEM (sở hữu 35% vốn tại Melia Hà Nội), trong giai đoạn 2010-2012, lợi nhuận trước thuế của khách sạn này đều đạt trên 10 triệu USD/năm.
Không công bố lợi nhuận chi tiết những năm gần đây, nhưng HEM luôn khẳng định hoạt động kinh doanh của Melia luôn tăng trưởng qua từng năm với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng.
Tương tự, là khách sạn Sofitel Metropole (phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm). Theo các báo cáo của VOF (thuộc VinaCapital), từng sở hữu 50% vốn khách sạn, trong giai đoạn 2011-2014, lợi nhuận mà Metropole thu về hàng năm đều đạt xấp xỉ 10 triệu USD.
Sau khi VOF thoái vốn, kết quả kinh doanh của khách sạn này không còn được cập nhật thường xuyên, nhưng Hanoitourist (chủ sở hữu 50% còn lại) khẳng định Metrolole luôn là khách sạn có kết quả kinh doanh hiệu quả nhất trong hệ thống các khách sạn mà doanh nghiệp này sở hữu.
Theo Quang Thắng/Zing