Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, ngày 22-6, Trung bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.
Tại Bắc bộ, ngày hôm qua cũng ghi nhận nhiều điểm nắng nóng đặc biệt gay gắt trên 40 độ, ngay cả ở thủ đô Hà Nội mức nhiệt ghi nhận tại Sơn Tây là 40.3 độ và Láng 40 độ. Diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ giữa tháng 6 trở lại đây đã làm tiêu thụ điện của toàn quốc và miền Bắc tăng rất mạnh.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, vào trưa ngày 21-6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 45.000 MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 45.528 MW. Bên cạnh đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc cũng đã lập mức kỷ lục mới, với công suất đỉnh của miền Bắc là 22.330 MW vào trưa ngày 21-6.
|
Công suất tiêu thụ điện toàn quốc. Nguồn: EVN. |
Như vậy, nếu so với mức trung bình của tuần trước đó thì công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia ngày 21-6 đã tăng tới hơn 6500 MW. Nếu so với mức đỉnh năm 2021 thì công suất tiêu thụ toàn quốc ngày 21-6 cao hơn tới gần 3100 MW và công suất đỉnh miền Bắc cũng cao hơn gần 1400 MW.
Về sản lượng tiêu thụ điện, trên quy mô toàn quốc và miền Bắc cũng đều thiết lập những con số kỳ lục mới trong đợt nóng này. Đặc biệt, ngày 21-6, sản lượng điện ngày toàn hệ thống điện quốc gia lần đầu tiên đạt 909 triệu kWh, vượt xa mức đỉnh năm 2021 là 880 triệu kWh. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ điện của miền Bắc cũng lên mức đỉnh mới là 459 triệu kWh trong ngày 21-6.
Nắng nóng kéo dài làm tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, phần lớn do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.
Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt thì nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 14 giờ 30, buổi tối từ 20 giờ đến 22 giờ.
Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
"Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện trong vài tháng trở lại đây tăng rất cao như than, khí, dầu… thì việc sử dụng điện tiết lại càng rất cần thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm bớt chi phí vận hành cho toàn hệ thống" - EVN đánh giá.
Theo An Hiền/PLO