Mới đây, Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để rà soát, thống kê doanh thu của nền tảng xem phim trực tuyến Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam để truy thu thuế từ năm 2016.
Được biết, từ năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến trên nền tảng này.
Hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao ở Việt Nam đang sử dụng dịch vụ này. Mỗi tháng, người dùng sẽ phải trả mức phí từ 180.000 - 260.000 đồng/thuê bao để sử dụng dịch vụ của Netflix, các khách hàng đều trả qua thẻ tín dụng trực tiếp cho Netflix, vì thế Nhà nước Việt Nam cũng thất thu thuế từ nguồn này.
Thế nhưng, Netflix lại chưa chịu sự quản lý của pháp luật hiện hành tại Việt Nam bởi là doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động trên nền tảng internet và không đặt chi nhánh Công ty tại Việt Nam. Cũng vì vậy, Netflix chưa được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ.
|
Netflix sẽ truy thu thuế người dùng tại Việt Nam từ năm 2016. (Ảnh minh họa). |
Nói về vấn đề doanh nghiệp thương mại điện tử như Netflix chưa có chi nhánh Công ty ở Việt Nam sẽ phải đóng thuế ra sao? Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (thuộc Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Việc truy thu thuế của Netflix sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, Netflix sau khi đặt văn phòng đại diện hoặc chi nhánh hoặc là một doanh nghiệp nước ngoài thuộc Netflix, sẽ áp dụng các quy định về thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Cụ thể, các loại thuế mà Netflix phải thực hiện nghĩa vụ như: Lệ phí môn bài (đối với văn phòng đại diện hoặc chi nhánh là 1 triệu đồng, đối với doanh nghiệp thì nếu vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng là 3 triệu đồng, 10 tỷ đồng trở xuống là 2 triệu đồng). Thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% thu nhập chịu thuế sau khi đã trừ đi các khoản theo quy định. Thuế giá trị gia tăng hiện nay là 10%....
Ngoài ra, còn có thể phải chịu một số loại thuế khác như: Thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu...
Theo luật sư Hoàng Tùng, Netflix có hoạt động tại Việt Nam và đang cung cấp cho người dùng Việt Nam các dịch vụ cụ thể và đương nhiên sẽ thu phí. Rõ ràng, đây là một hoạt động kinh doanh cụ thể nhưng vì chưa có giấy phép nên cơ quan quản lý của nước ta gặp nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý, giám sát và thu thuế.
Vì vậy, việc thu thuế Netflix là vô cùng cần thiết, bởi đây là nghĩa vụ của doanh nghiệp và cũng là một phương thức để nhà nước bảo vệ quyền lợi cho người dân, đảm bảo sự công bằng, tránh các hành vi lợi dụng để thực hiện các vi phạm pháp luật.
“Nếu Netflix không có chi nhánh nhưng vẫn thu tiền khách hàng ở Việt Nam, khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan Nhà nước khó bảo vệ quyền lợi người dân chúng ta. Vì thế, cơ quan quản lý nên bắt buộc Netflix phải đặt chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đồng thời, việc làm này cũng để yêu cầu Netflix kê khai thuế và để quản lý nhiều thứ khác thuận tiện hơn”, luật sư Tùng nhấn mạnh.
Tối 23/10, người phát ngôn tại Netflix cho hay: “Trong vòng 72 giờ qua, chúng tôi đã biết một số thông tin chưa chính xác liên quan đến nghĩa vụ thuế, cũng như văn phòng đại diện và việc đặt máy chủ tại địa phương”.
Theo đại diện Netflix, Chính phủ các nước có toàn quyền quyết định về chính sách thuế và ở tất cả các quốc gia mà doanh nghiệp này hoạt động, Netflix luôn tuân thủ các luật pháp hiện hành.
“Các luật này không bắt buộc chúng tôi phải mở văn phòng hay đặt máy chủ tại nước sở tại, tuy nhiên, chúng tôi luôn ủng hộ việc triển khai những cơ chế cần thiết để những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Netflix có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, một cơ chế như thế vẫn chưa hiện hữu, song nó cần được sớm triển khai trong tương lai gần và chúng tôi đang thảo luận với các nhà chức trách về hướng giải quyết tốt nhất cho tất cả các bên”, người phát ngôn Netflix cho biết.
Người phát ngôn Netflix cho cho biết thêm: “Tại những quốc gia không mở văn phòng, chúng tôi vẫn có thể đóng góp cho sự phát triển, hoàn thành nghĩa vụ thuế và bảo vệ quyền lợi cho người dùng thông qua hình thức đăng ký từ xa. Mặc dù chưa có kế hoạch kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại, nhưng chúng tôi vẫn duy trì cam kết của mình với thị trường Việt Nam, cộng đồng người dùng cũng như ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam”.
Khánh Hoài