Tình thế của Eximbank trở nên khá nan giải khi không giải quyết bồi thường “ngay lập tức” thì sẽ mất uy tín; ngược lại nếu bồi thường thì thiệt hại của nhà băng này cũng cực kỳ lớn.
|
Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank. Ảnh: IT. |
Khoản tiền “khủng” nếu phải bồi thường
Những năm gần đây, tình hình kinh doanh tại ngân hàng Eximbank khá “ảm đạm” so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng. Liên tục từ năm 2011 - 2015, Eximbank chứng kiến các chỉ số doanh thu, lợi nhuận cứ thế bốc hơi dần. Theo các con số từ báo cáo, chỉ trong 5 năm này, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đã giảm hơn 100 lần. Trong giai đoạn từ năm 2014-2016, mặc dù tình hình kinh doanh có cải thiện nhưng cuộc tranh giành quyền lực ở Eximbank đã khiến cho “ông lớn” một thời của ngành ngân hàng lâm vào cảnh kinh doanh khốn khó.
Điển hình như năm 2014, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của Eximbank là 1.940 tỷ đồng, nhưng do trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC nên lợi nhuận hợp nhất cuối năm trên sổ sách của Eximbank đạt thấp, với lợi nhuận trước thuế trên sổ sách đạt 69 tỷ đồng, chỉ đạt 3,8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế là 56 tỷ đồng.
Bước sang năm 2015, Eximbank lại “ảm đạm” hơn ghi nhận 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và âm 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Năm 2016, Eximbank đạt 390 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 6 lần năm trước. Sau thuế, ngân hàng này còn lãi 308 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2017 vừa qua, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.118 tỷ đồng, gấp hơn 2,6 lần năm 2016 và đạt 169% kế hoạch năm. Kết quả kinh doanh này khiến nhiều cổ đông ngân hàng cực kỳ phấn khởi và tin vào một Eximbank đang trở lại “đường đua” của những ngân hàng TMCP hàng đầu trong hệ thống. Thế nhưng, đùng một cái, khách hàng VIP của Eximbank bỗng nhiên “bay mất” 245 tỷ đồng trong tài khoản.
Eximbank giải quyết vấn đề này thế nào? Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Quyết, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Eximbank, đã trích dẫn kết luận của cơ quan điều tra, cho rằng toàn bộ giấy ủy quyền mà ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM - người bị tố cáo lừa đảo rút 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình - PV), dùng để rút tiền đều có chữ ký của bà Bình. Ban đầu, các giấy tờ này được ký khống và để trống tên người được ủy quyền, mới tạo điều kiện cho ông Hưng điền tên người khác vào nhằm thực hiện hành vi rút tiền của bà Bình.
“Eximbank không trì hoãn hay né tránh trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là khởi kiện ông Hưng. Sau đó, tòa phán quyết Eximbank là bên thiệt hại thì HĐQT Eximbank mới có thể ban hành quyết định trả lại tiền cho bà Bình”, ông Quyết nói.
Như vậy, rõ ràng phía Eximbank còn chờ vào khởi kiện có kết quả mới trả tiền cho khách hàng, còn phía khách hàng là bà Chu Thị Bình thì lại không đồng ý chờ ra tòa mà buộc Eximbank phải giải quyết ngay.
Nếu chần chờ không bồi thường cho khách hàng, chắc chắn Eximbank sẽ mất đi niềm tin của người gửi tiền. Còn nếu trả tiền ngay thì thiệt hại cho Eximbank không hề nhỏ. Nên nhớ, khoản tiền 245 tỷ đồng bồi hoàn này là rất lớn. Để dễ hình dung, số tiền 245 tỷ đồng này cao gấp 4,3 lần lợi nhuận sau thuế của Eximbank năm 2014, gấp 6 lần lợi nhuận năm 2015, bằng 80% lợi nhuận năm 2016 và bằng hơn 30% lợi nhuận năm 2017.
Cần “siết” quy trình giao dịch để đảm bảo quyền lợi khách hàng
Trước hướng giải quyết của Eximbank, theo LS Nguyễn Thành Trung (VP Luật sư Trung Tín, TP.HCM), Eximbank muốn khởi kiện ông Hưng và chờ đến khi có phán quyết của tòa mới chi trả tiền cho bà Chu Thị Bình là không phù hợp pháp luật. Bởi, theo quy định của Bộ Luật Dân sự, nhân viên có hành vi sai trái dẫn đến thiệt hại cho khách hàng thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường, không phải chờ phán quyết của toà án. Ở đây ông Hưng không chỉ là nhân viên mà còn là cán bộ cấp cao của Eximbank nên càng phải lưu ý để xử lý
“Chưa kể, phiên tòa xét xử vụ Eximbank kiện ông Hưng không biết khi nào mới diễn ra do công an chưa bắt được nghi can. Nếu Eximbank chờ phán quyết của tòa mới quyết định trả lại tiền cho bà Bình, thời gian giải quyết vụ việc có thể kéo dài, gây thiệt hại cho người gửi tiền”, ông Trung nói.
Ở một góc độ khác, LS-TS Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn luật sư TP.HCM, liên quan đến vụ mất hàng trăm tỷ đồng tại Eximbank, có thể thấy hiện nay pháp luật không cấm các Ngân hàng thực hiện thủ tục ủy quyền mang tính nội bộ. Theo đó, bên ủy quyền và bên được ủy quyền cùng ký vào giấy ủy quyền, lãnh đạo ngân hàng ký xác nhận ủy quyền, lập tức bên được ủy quyền được thực hiện giao dịch. Thế nhưng, vấn đề của lỗ hổng tiền gửi là nhiều khách hàng VIP có phần chủ quan, ký sẵn giấy ủy quyền giao dịch cho người khác và để trống bên được ủy quyền. Từ đó, nếu cán bộ ngân hàng lợi dụng kẽ hở này để thực hiện các hành vi mờ ám, dẫn đến rủi ro cho người gửi tiền lẫn ngân hàng là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, theo ông Tín, quy trình kiểm soát các giao dịch gửi - rút tiền của nhiều ngân hàng hiện nay cũng hết sức thô sơ. Chẳng hạn, khi khách hàng đến phòng giao dịch của một ngân hàng để rút tiền thì chứng từ giao dịch thường thông qua một nhân viên giao dịch, một kiểm soát viên đã được tổng giám đốc ngân hàng đó ủy quyền việc chi trả tiền với một số lượng nhất định; tiếp đến nhân viên ngân quỹ kiểm tra chứng từ và thực hiện lệnh rút tiền của khách hàng.
“Nếu 3 người này thông đồng giả mạo chứng từ đề rút tiền của người khác thì việc này sẽ trót lọt. Đó là chưa kể tình huống cấp trên có thể thông đồng với cấp dưới thực hiện hành vi rút tiền gian dối. Nếu điều này diễn ra thì việc khách hàng bị mất tiền trong thời gian dài không bị phát hiện là dễ hiểu”, ông Tín đánh giá.
Để kiểm soát rủi ro với khách hàng VIP, ngoài việc khuyến cáo khách hàng không ký khống giấy ủy quyền gửi - rút tiền cho người khác, các ngân hàng đã đến lúc phải đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát thông qua số hóa quy trình giao dịch, nhằm hạn chế việc tiếp xúc giữa các nhân viên, giữa khách hàng với nhân viên trong quá trình giao dịch.
“Các ngân hàng có thể ban hành quy định mỗi chi nhánh chỉ được thực hiện 20 giấy ủy quyền/tháng. Như thế, hệ thống điện tử của ngân hàng sẽ kiểm soát được từng giao dịch theo từng giấy ủy quyền; gắn liền với các thông tin về thời điểm, số tiền, hành vi, mục đích… của nhân viên sử dụng giấy ủy quyền”, ông Tín đề xuất.
Theo Quốc Hải/Dân Việt