Tăng trưởng tín dụng đạt 8,16%
Ngày 15/6, NHNN họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh tế xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới. Hoạt động ngân hàng tích cực hoạt động phù hợp với điều kiện mới. Hoạt động tín dụng, tiền tệ từng bước hòa nhập với không khí chung, trở lại bình thường. Tăng trưởng tín dụng vào tất cả lĩnh vực nền kinh tế. Hoạt động ngân hàng tiếp cận nhanh để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
|
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 8,16% |
“Nhờ kiểm soát dịch bệnh, dòng tiền luân chuyển nhanh hơn. Tốc độ trung chuyển của vốn nhanh hơn so với 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng đối mặt khó khăn, nhất là nguy cơ lạm phát tăng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Theo ông Tú, sau 2 năm, dòng tiền đứt đoạn, năm 2022 tích cực khiến nhu cầu tín dụng tăng lên. Tất cả điều này cần tính toán, xem xét, tạo yếu tố cung tiền để có thể tác động đến lạm phát. Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước kiến nghị của ngân hàng thương mại (NHTM) về nới room tín dụng, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, từ năm 2011, NHNN xét cấp tín dụng cho NHTM. NHNN liên tục yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ hệ số an toàn theo chuẩn quốc tế cho hoạt động quản trị. Dù có chuẩn mực quản trị rủi ro nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam rất cao. Tăng trưởng tín dụng trước khi xét room bình quân 30%, có năm lên tới 53%. Mức độ tăng trưởng này vượt xa khả năng quản trị, cân đối vốn của NHTM và mất khả năng thanh toán. Với bài học kinh nghiệm, NHNN dùng song song giải pháp quản trị hệ thống NHTM và kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
“Trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng NHTM đều trên 20%. Nếu nới room tăng trưởng tín dụng sẽ khiến áp lực lạm phát lớn, tăng lãi suất huy động tìm nguồn vốn, dẫn đến vòng xoáy lãi suất cho vay tăng, nguy cơ nợ xấu tăng. Hàng năm, Thống đốc NHNN công khai tăng trưởng tín dụng tại chỉ thị 01 đầu năm, định hướng năm 2022 là 14% nhưng điều chỉnh linh hoạt theo thực tế”, đại diện NHNN cho biết.
Theo lãnh đạo Vụ chính sách tiền tệ, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, NHNN sẽ ưu tiên nới room tín dụng cho tổ chức tín dụng có mức xếp hạng tín dụng cao, NHTM xử lý ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân. TCTD có tỷ trọng cao tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, NHNN có thể xem xét trừ hạn mức tín dụng.
Với TCTD gần cạn room, cần có trạng thái phòng thủ, cân nhắc khẩu vị rủi ro để “gạn lọc khơi trong” khi tiếp cận khách hàng.
Tiêu chí tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%
Tại họp báo, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% này đang được ngân hàng triển khai tích cực. Trên cơ sở đăng ký từ các tổ chức tín dụng theo Nghị định 31 của Chính phủ, NHNN đã ước tính số tiền thực hiện trong năm 2022 và 2023. NHNN đã tổng hợp và thông báo chỉ tiêu cho từng tổ chức tín dụng để triển khai.
Bà Hà Thu Giang, Vụ phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, danh sách tổng hợp của NHNN đã được gửi sang Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT sẽ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự toán chi.
Trao đổi bên lề họp báo, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết ngân hàng này được phân bổ chỉ tiêu 5.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023. Theo bà Phượng, chỉ khoảng 10% khách hàng có dư nợ của Agribank được hỗ trợ lãi suất 2%. Các đối tượng thuộc ngành nghề được vay vốn hỗ trợ lãi suất là: Du lịch, vận tải, nông nghiệp nông thôn, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp…
Về điều kiện được hỗ trợ, bà Phượng cho biết, ngoài điều kiện để ngân hàng cấp tín dụng như quy định, các khách hàng phải được đánh giá là có khả năng phục hồi. Trên cơ sở đó, Agribank sẽ chỉ đạo các chi nhánh đánh giá tích cực, nhanh chóng để nguồn lực từ ngân sách nhà nước tới đúng đối tượng.
Trước đó, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng. Lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.
Theo Quỳnh Nga/ Tiền Phong