Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tỷ lệ tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS) mà các đơn vị này đang nắm giữ chiếm đa số trong tổng giá trị TSĐB. Đây cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng phải trích lập khoản dự phòng rủi ro (DPRR) khá lớn cho các khoản trái phiếu đặc biệt này dù đã bán nợ cho VAMC (Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam).
Khi bất động sản ... “bất động”
Thống kê thời điểm hiện tại, dẫn đầu toàn hệ thống ngân hàng là khối tài sản đảm bảo của Ngân hàng VietinBank (mã CTG); tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng giá trị tài sản đảm bảo của nhà băng này lên tới 676.252 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ tài sản là bất động sản chiếm khoảng 54%. Kế đến là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID) với tổng tài sản đảm bảo là 554.901 tỷ đồng, thì tỷ lệ tài sản bất động sản chiếm tới 58%. Đây cũng là hai ngân hàng có giá trị TSĐB là BĐS nhiều nhất trong nhóm các ngân hàng niêm yết hiện nay.
|
Cơ chế mới sẽ tạo thông thoáng cho việc xử lý nợ xấu (Ảnh: IT) |
Cũng bởi vậy, hiện CTG và BID cũng là hai ngân hàng có giá trị trái phiếu đặc biệt thuần cao nhất, lần lượt là 6.541 tỷ đồng và 15.477 tỷ đồng (sau trích lập DPRR).
Ngoài ra, một loạt nhà băng khác cũng đang có tỷ lệ TSĐB là BĐS khá cao. Chẳng hạn, Ngân hàng Vietcombank (mã VCB) hiện có tổng giá trị TSĐB khoảng 339.959 tỷ đồng thì tỷ lệ tài sản là BĐS chiếm khoảng 40%. Tương tự, Ngân hàng Á Châu (mã ACB) hiện có tổng giá trị TSĐB khoảng 259.422 tỷ đồng thì tỷ lệ tài sản là BĐS chiếm khoảng 80%; Eximbank (mã EIB) hiện có tổng giá trị TSĐB khoảng 112.791 tỷ đồng thì tỷ lệ tài sản là BĐS chiếm khoảng 66%; Ngân hàng Quân đội (mã MBB) hiện có tổng giá trị TSĐB khoảng 118.026 tỷ đồng thì tỷ lệ tài sản là BĐS chiếm khoảng 24%.
Trong các nhà băng này, chỉ trừ VCB đã hoàn tất việc trích lập DPRR trái phiếu đặc biệt vào cuối năm 2016, tổng giá trị trái phiếu đặc biệt thuần (sau trích lập DPRR) của các ngân hàng ACB, MBB và EIB còn xấp xỉ khoảng hơn 8.880 tỷ đồng.
Như vậy, việc mở ra hàng loạt cơ chế tại Nghị định 61/2017/NĐ-CP và Nghị quyết về xử lý nợ xấu (thời hạn 5 năm) bắt đầu có hiệu lực từ 1.7.2017 sẽ giúp cả phía ngân hàng lẫn VAMC giải quyết các khoản TSĐB là BĐS đã vướng mắc thời gian qua. Trong đó đáng chú ý là các điều kiện thực hiện quyền thu giữ TSĐB, điều kiện chuyển nhượng TSĐB là dự án bất động sản và điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSĐB và quyền xử lý TSĐB được vào Nghị quyết nợ xấu được xem là yếu tố then chốt, có tính bước ngoặt đối với tiến độ thu hồi nợ của VAMC trong thời gian tới.
Các bộ ngành sẽ phối hợp để thu hồi nợ liên quan TSĐB?
Liên quan đến việc khó giải quyết, thu hồi các khoản nợ là TSĐB thời gian qua của VAMC nói chung, phía các ngân hàng nói riêng, theo Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính tại TP.HCM, thì thời gian qua việc phối hợp giữa VAMC, các ngân hàng với địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến trong qua trình đi thu hồi, xử lý các khoản nợ thì phía chính quyền các địa phương chỉ... có mặt cho có. Vì vậy khi gặp phản đối của các con nợ thì sự việc sẽ kéo dài, không giải quyết được.
“Hiện tại, khi Nghị định 61/2017/NĐ-CP và Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua thì thời gian tới giữa NHNN và Bộ Công An có thể sẽ có thông tư liên ngành để tạo sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc xử lý và thu hồi nợ xấu”, ông Tín nói.
Cũng theo ông Tín, trước đây việc xử lý nợ xấu qua con đường tòa án thông thường sẽ áp dụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 nên thường kéo dài (chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt mới áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý), bây giờ quy định của Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã cho phép áp dụng thủ tục rút gọn nên thời gian xử lý thu hồi nợ xấu sẽ nhanh hơn...
“Thực tế, phần lớn nợ xấu trong suốt giai đoạn trước đây (2013-2016) của hệ thống ngân hàng được xử lý bằng phương pháp kỹ thuật (bán nợ cho VAMC) và sau đó là các ngân hàng trích lập DPRR cho khoản TPĐB này với thời gian tối đa 5 năm (tối đa 10 năm đối với TCTD yếu kém). Tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC trong khi đó lại ở mức rất thấp (khoảng 15% vào cuối năm 2016), mà nguyên nhân quan trọng là do các vướng mắc hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là các tài sản bất động sản, cũng như thiếu thị trường mua bán nợ... Chính vì vậy, Nghị định 61/2017/NĐ-CP và Nghị quyết về xử lý nợ xấu đang được Quốc hội khóa XIV thảo luận được xem là “cứu cánh” để xử lý những vướng mắc này...”. Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín.
Theo Quốc Hải/Dân Việt