Đứng thứ 2 trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất
Cụ thể, tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của 10 ngân hàng lớn Việt Nam bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Sacombank và Eximbank cho thấy, tổng nợ xấu của 10 nhà băng này trong quý I đầu năm lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng đầu trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là Sacombank, kế đến là ngân hàng VPBank.
Theo báo cáo riêng của ngân hàng tại ngày 31/3/2017 cho thấy, VPBank đang có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm và chiếm 2,86% tổng dư nợ (so với mức 2,03% đầu năm). Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của ngân hàng đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối quý I đang ở mức 3,5% trên tổng dư nợ, so với mức 2,91% hồi đầu năm.
Khách hàng mất 26 tỷ đồng trong tài khoản VPBank
Trước đó, ngân hàng VPBank từng gây sốc trong dư luận khi bị khách hàng tố mất 26 tỷ đồng trong tài khoản VPBank.
Tháng 8/2016, bà Trần Thị Thanh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân cho biết, công ty bà có trụ sở ở Củ Chi, TP HCM chuyên mua bán nông sản. Từ cuối tháng 3/2015, công ty có mở tài khoản tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong mùa mua bán nông sản, khách hàng thanh toán tiền vào tài khoản này ước tính khoảng 26 tỷ đồng.
Tháng 7/2015, bà Xuân đến rút tiền thì nhận thấy 26 tỷ đồng trong tài khoản nêu trên đã biến mất, chỉ còn lại vài trăm nghìn đồng. Khi yêu cầu kiểm tra tài khoản khi đó, bà được nhân viên ngân hàng yêu cầu làm thủ tục đổi chữ ký, vì cho biết chữ ký của bà không giống với các giao dịch trước đây.
Xem sao kê tài khoản sau đó, bà thấy xuất hiện các giao dịch "rút, chuyển" liên tục từ số tiền khách thanh toán chuyển vào. Việc ký séc, chi séc cũng diễn ra liên tiếp trong khi bà chưa hề mua séc lần nào.
Sau khi kiểm tra lại thì thấy trong bản sao kê ghi rõ người mua séc của công ty bà là một nhân viên VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng. Theo bà Xuân, bà Hằng đã thông đồng với một số cá nhân khác tại công ty Quang Huân gồm ông Phạm Văn Trinh (kế toán), Nguyễn Huy Nhựt và Đỗ Đình Bảo.
Điều mà bà Xuân thắc mắc là khi mở tài khoản, bà có đăng ký thông báo giao dịch mobile banking vào số điện thoại cá nhân. Trong sao kê tài khoản cũng thể hiện ngân hàng thu phí mobile banking đầy đủ, nhưng bà không nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch trên.
Bà Xuân phản ánh đã yêu cầu ngân hàng làm rõ việc nhân viên nhà băng Đoàn Thị Thúy Hằng đứng tên mua séc của công ty bà và tiếp tay cho các giao dịch nêu trên nhưng không được hợp tác với lý do nhân viên đã nghỉ việc. Do đó, vị giám đốc này đã gửi đơn tố giác đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM từ tháng 9/2015 nhờ can thiệp.
|
Chữ ký và chữ viết thật của Phạm Văn Trinh tại phòng công chứng trùng với chữ ký mang tên Giám đốc Trần Thị Thanh Xuân trong tờ séc. Ảnh: SGGP |
Trao đổi với báo chí về vụ việc, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank xác nhận đã mở tài khoản thanh toán nêu trên cho Công ty Quang Huân ngày 28/3/2015. Việc này dựa trên cơ sở đơn mở tài khoản, mẫu dấu, chữ ký của chủ tài khoản và các hồ sơ, tài liệu kèm theo của Công ty Quang Huân gửi tới ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi mở tài khoản, công ty này đã sử dụng để thực hiện các giao dịch nhận và chuyển tiền cho đối tác.
Đến ngày 19/10/2015, nhà băng đã nhận được đơn tố cáo của cá nhân bà Trần Thị Thanh Xuân với nội dung cho rằng ông Phạm Văn Trinh và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại của công ty số tiền 11,3 tỷ đồng, tức là khác với con số khoảng 26 tỷ mà bà Xuân phản ánh.
Ngân hàng khẳng định sau đó cũng đã hướng dẫn bà Xuân nhân danh Công ty Quang Huân thực hiện khiếu nại theo đúng quy định, làm cơ sở cho ngân hàng thực hiện giải quyết khiếu nại. Nhà băng này cho rằng qua kiểm tra, các chứng từ giao dịch tài khoản của Công ty Quang Huân như chuyển khoản, rút tiền, mua séc… đều được thực hiện ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân với chữ ký, con dấu khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu với VPBank tại đơn đăng ký mở tài khoản của công ty.
Liên quan đến tin nhắn thông báo giao dịch, VPBank khẳng định, các giao dịch, biến động số dư đều được ngân hàng gửi tin nhắn SMS đầy đủ đến số điện thoại Công ty Quang Huân đã đăng ký (số điện thoại này đã được VPBank xác minh chính là số điện thoại bà Trần Thị Thanh Xuân - chủ tài khoản và người đại diện pháp luật Công ty Quang Huân đang sử dụng). Ngoài ra, VPBank cho rằng đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự và cần cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ. Mặc dù vậy, sự việc này đã gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của VPBank.
VPBank bị tố đòi nợ theo kiểu “chợ đen”
Theo thông tin đăng tải trên BizLIVE vào tháng 9/2014, do hoàn cảnh gia đình gặp nạn hỏa hoạn nghiêm trọng vào ngày 26/7/2013 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản (mẹ và ba con trai tử vong, chồng ngã từ trên tầng 3 xuống nên bị trấn thương cột sống và phải điều trị thời gian dài, còn nhà thì phải xây sửa lại nên chưa thể kinh doanh quay lại kinh doanh) nên bà Mai Thị Anh trú tại số 51A đường 25 Tháng 4, tổ 10 khu 3 phường Hòn Gai, Hạ Long, Quảng Ninh đã gửi đơn đến 3 ngân hàng VPBank, MHB, DongABank để xin gia hạn nợ trong vòng 1 năm.
Đáp lại đơn này của bà không phải là văn bản trả lời mà là cách hành xử rất không theo lệ thường của ngân hàng với những cuộc gọi từ số lạ để đe dọa, ép buộc phải trả nợ. Bà Anh cho biết, trong 3 ngân hàng gửi đơn xin gia hạn, chỉ có mỗi MHB là có văn bản trả lời, còn 2 ngân hàng VPBank, DongABank không có văn bản trả lời mà chỉ là những cuộc điện thoại đe dọa.
Cụ thể, bà Anh đã gửi 2 lần đơn xin gia hạn nợ đến VPBank nhưng không có một văn bản trả lời mà chỉ nhận được những cuộc điện thoại từ số lạ đe dọa. “Số điện thoại 0982xxxxxx gọi đến cho tôi và xưng là giám đốc chi nhánh ngân hàng, yêu cầu tôi trả nợ với thái độ khó chịu và đe dọa nếu không trả nợ thì sẽ có cách xử lý”, bà Anh cho hay.
Rất nhiều cuộc điện thoại tương tự cũng đã được thực hiện sau đó từ những số máy 0473xxxxx, 0977xxxxxx… tự xưng là cán bộ xử lý nợ xấu trên Hà Nội. “Họ nói với giọng rất trịnh thượng, khó nghe và áp đặt tôi phải làm theo lời họ chứ không có văn bản giấy tờ gì. Họ ép tôi phải bán nhà để trả nợ theo kiểu giang hồ, đe dọa tinh thần và được củng cố thêm bằng rất nhiều số điện thoại lạ khác”, bà Anh cho biết.
Theo bà Anh, ngân hàng không hợp tác bằng cách gửi văn bản mời bà đến trụ sở làm việc theo lẽ thường, mà gọi điện ép buộc phải bán tài sản trả nợ.
Phản hồi trên báo chí về vụ việc này, đại diện ngân hàng VPBank, bà Mai Thị Anh có tổng dư nợ tính đến đầu tháng 9/2014 tại VPBank là khoảng 811 triệu đồng, bao gồm 675 triệu đồng nợ gốc trong hạn, 90 triệu đồng nợ quá hạn và trên 46 triệu đồng nợ lãi quá hạn. Số ngày quá hạn tính đến thời điểm đầu tháng 9 là 135 ngày.
Ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và truyền thông VPBank, cho biết để có phương án xử lý khoản nợ của khách hàng tại VPBank, cán bộ ngân hàng đã nhiều lần liên hệ và đề nghị khách hàng bố trí làm việc nhưng khách hàng không đồng ý tiếp xúc.
Tuy nhiên, về phía khách hàng, bà Anh khẳng định, tính đến thời điểm đó, bà vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía VPBank về vấn đề liên quan đến khoản nợ mà bà đã làm đơn xin gia hạn.
Bà Anh cũng xác nhận phía VPBank có gọi điện hẹn gặp bà nhưng không phải là ở trụ sở ngân hàng và ép buộc bà phải bán ngôi nhà đang ở để trả nợ.
Sau khi bị dư luận lên tiếng phản ứng dữ dội về vấn đề này, phía VPBank đã ngay lập tức liên hệ với bà Anh và thông báo có thể sẽ gia hạn nợ 1 năm cho bà như trong đơn yêu cầu nhưng với điều kiện sau 1 năm không trả được nợ sẽ được toàn quyền xử lý tài sản mà bà thế chấp. Ngân hàng này còn chính thức nói lời xin lỗi bà Anh về cách hành xử của những cán bộ chi nhánh VPBank Quảng Ninh về việc “đe dọa” bà để đòi nợ.
Hồng Liên (Tổng hợp)