Chị Lê Thi Mùi (41 tuổi, quê Phú Thọ) là một người bán hoa quả dạo xung quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Bắt đầu với công việc này khoảng 3 năm trước, chị Mùi dắt chiếc xe đạp cũ với mẹt hoa quả đủ loại phía sau đi quanh phố Cổ và một số quận lân cận. Nhưng ngày đó do vốn ít, chưa có khách quen và không thông thạo đường xá nên chị chỉ dám bán ít, số lượng vừa đủ cho khách lẻ mua ăn chơi.
Về sau, xe hàng của chị được “nâng cấp” với nhiều loại hoa quả hơn, ngoài quả tươi chị cũng bán thêm cả hoa quả dầm muối ớt, bò khô các loại. Đồng thời chị Mùi nhận thêm các đơn hàng ở xa, hoặc các đơn sỉ số lượng lớn cho quán ăn, người bán hàng online… tất cả đều do khách quen dẫn mối.
Mùa nào thức đấy, chị Mùi bán đủ các loại trái cây khác nhau. Nhưng cứ khoảng tháng 5 đến tháng 10 là mùa chị “rủng rỉnh hầu bao” nhất. Vào thời gian này, cóc xanh, cóc chín, cóc bao tử ở chính vụ, chị Mùi bán đơn, bán kép mỗi ngày tiêu thụ được mấy chục cân cóc.
Những xe cóc chín nổi tiếng ở TP.HCM cũng giúp cho những gánh hàng rong ở đây mang về thu nhập “khủng”. (Ảnh: Thương Giang)
Nếu như ở TP.HCM cóc chín là món ăn vặt không thể thiếu của dân văn phòng thì ở Hà Nội cóc xanh; cóc bao tử lại là loại quả có sức hút nhất. Cóc xanh có vị hơi chua, cùi giòn, có thể dầm chung với muối ớt, thịt bò khô hoặc chân gà rút xương…
Thời gian đầu bán cóc, chị Mùi nhập số lượng nhỏ và chỉ bán cóc tươi cả quả hoặc gọt sẵn; tách miếng bán kèm gia vị múi ớt bình thường. Về sau, nhận thấy nhiều người yêu thích loại quả này, một số khách quen đã tìm chị để hỏi mua số lượng lớn nên chị Mùi đã nhập mỗi ngày khoảng 20kg sau đó lên 30kg có ngày cao điểm khoảng 50kg cóc xanh/ngày.
Khoảng 50% số lượng cóc mỗi ngày giao cho các tiệm đồ ăn vặt và các chủ shop bán hàng online, 50% còn lại chị dành cho khách lẻ. Hàng ngày, chị Mùi gói hàng và trả các đơn hàng cho khách sỉ vào sáng sớm. Sau đó dắt xe đi bán dạo ở phố cổ, đoạn phố Mã Mây, Tràng Tiền… ngày cuối tuần chị bầy quầy nhỏ bán trong phố đi bộ Hồ Gươm.
Cuối tuần, chị Mùi thường bán hoa quả ở phố đi bộ. Quầy hàng nhỏ đủ loại hoa quả nhưng cóc xanh; cóc bao tử vẫn luôn là món đắt hàng nhất.
Hiện giá cóc dao động từ 20.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại to bé; non già; có hoặc không gọt vỏ.
Hiện tại, giá cóc xanh bán lẻ theo cân dao động khoảng 20.000 đồng/kg, cóc gọt sẵn khoảng 30.000 đồng/kg, giá này sẽ rẻ hơn với các khách mua trên 5kg. Thông thường, khách lẻ sẽ mua loại gọt sẵn vì chủ yếu đều là dân văn phòng mua ăn ngay.
Chị Mùi cho biết, từ tháng 9 đến tháng 10 là thời gian cao điểm, bán cóc đắt hàng nhất. Có ngày chỉ riêng bán lẻ quanh khu vực phố Cổ chị bán được gần 20kg cóc xanh, cùng với 5 – 7 đơn ship giúp chị bỏ túi từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mùa quả chị có thu nhập cao nhất trong năm.
“Những vụ khác chỉ bán hóa quả túc tắc sống, thu nhập ổn định đủ sống chứ không cao. Nên năm nào tôi cũng mong đến mùa cóc, phần vì được nhiều người yêu thích, bán đắt hàng, phần vì tôi nhập được giá rẻ sau đó bán mức giá chung trên thị trường lên lời lãi nhỉnh hơn một chút”, chị Mùi chia sẻ.
Sau khi nhập hàng, cóc được phân loại theo kích thước và độ non già để định giá cho phù hợp.
Loại quả này trồng ở đâu cũng có mùi vị khá giống nhau, riêng cóc của chị Mùi bán được nhập chủ yếu từ Phú Thọ, ưu tiên các quả to; non; vỏ mỏng nhẵn nhụi; hột nhỏ. Ngoài ra, trong những ngày cần hàng gấp, chị liên hệ với các đầu mối ở chợ Long Biên, giá nhập ở đây thường cao hơn nhiều so với giá ở quê.
“Nói thật, ở quê mọi người chỉ hái rồi mang cho nhau quả này chứ ít người mua-bán, lên thành phố mới thành món ăn đắt khách”, chị Mùi vui vẻ nói. Tuy nhiên, không phải lúc nào cóc cũng có sẵn hàng, có khách đặt mua 30 – 40kg một lúc chị phải “om” đơn mấy ngày mới trả được cho khách.
Nhờ mùa cóc, chỉ cần một con dao nhỏ, một hộp muối ớt và một chiếc xe đạp cũ rong ruổi quanh phố cổ Hà Nội, chị Mùi đã có thể mang về thu nhập hơn chục triệu mỗi tháng. Tuy chỉ có tính thời vụ mỗi năm kéo dài 2 – 3 tháng nhưng đây cũng là số tiền đáng mong ước của những gánh hoa quả rong như chị Mùi.
Theo Châu Dương/Dân Việt