Gõ sầu riêng - Nghề kiếm ra tiền
Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) được xem là thủ phủ trồng sầu riêng của tỉnh với diện tích hơn 1.000 ha sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh. Thời điểm này, không khí vụ mùa rộn ràng khắp các nẻo đường. Ở những nhà vườn, tiếng nói, tiếng cười của người cắt trái, người vận chuyển tập kết xen lẫn mùi hương thơm nồng của sầu riêng chín. Lượng sầu riêng thu hoạch của từng vườn trong mỗi ngày có khi lên đến vài tấn trái, điều này đã giúp cho nhiều lao động có thu nhập ổn định.
Nguyễn Xuân Hòa quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đã có mặt ở Đa Mi được hơn 1 tháng nay để hành nghề gõ sầu riêng. Mới 25 tuổi, nhưng Hòa đã có hơn 7 năm trong nghề, Hòa thường được chủ vựa, thương lái, đôi khi là các nhà vườn thuê để xác định trái đủ độ tuổi thu hoạch, hay nhiều khi là phân loại các lỗi bên trong trái sầu riêng ví dụ bị vỏ dày, không có cơm...
Hòa cho biết: Để làm được nghề thợ “gõ” sầu riêng giỏi thì điều đầu tiên phải học được tính cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết. Thứ hai đó là phải luyện được kỹ thuật nghe âm thanh của trái sầu riêng. Lý giải điều này, Hòa nói: “Bình thường, chỉ cần ngửi mùi thấy thơm là biết sầu riêng đã chín. Nhưng làm nghề này thì phải biết thẩm định độ chín của trái từ lúc còn chưa ngửi được mùi thơm. Đó là khi gõ cán dao lên trái nghe “bộp bộp” tức là trái đã bắt đầu chín, nghe “coong coong”, “boong boong” nghĩa là trái sầu riêng chưa chín”.
Cũng theo Hòa, bên cạnh việc gõ, lắng nghe âm thanh thì người thợ “gõ” sầu riêng giỏi còn dựa vào màu sắc của gai, vỏ của trái sầu riêng để đoán tuổi. Nếu gai và vỏ của trái sầu riêng đã ngả sang màu sậm, thì cho thấy trái đã già, đã đến độ tuổi thu hoạch. Còn nếu, muốn cẩn thận hơn nữa thì những người thợ “gõ” sầu riêng trước khi nhận vườn cần vào thăm vườn, cắt một trái kiểm tra cơm. Nếu cơm sầu riêng có màu vàng, ăn thấy có bột và vị ngọt thanh, thì cho thấy trái sầu riêng đến độ tuổi khoảng 130 ngày, đủ tuổi để cắt. Vườn sầu riêng đó đã đến thời điểm thu hoạch.
Có sức khỏe cùng với kinh nghiệm hành nghề nhiều năm, Hòa được các thương lái chi trả cho mỗi ngày “gõ” sầu riêng từ 1 – 1,5 triệu đồng.
Nhiều nhà vườn cho biết, vào độ thu hoạch, mỗi vườn đều có gần chục người để làm các công việc như: gõ, hái, hứng, thu gom, vận chuyển… Tùy vào công việc sẽ có mức giá phù hợp và khác nhau. Tuy nhiên, nghề “gõ” sầu riêng sẽ có mức giá cao hơn so với những công việc khác, đó là dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/ngày. Các công việc còn lại thường được trả công từ 300.000 - 700.000 đồng/ngày. Mặc dù công việc có phần khó khăn, vất vả nhưng ai nấy cũng đều hy vọng chủ vườn trúng mùa trúng giá thì họ cũng có thu nhập.
Gõ sầu riêng: Nghề tưởng đơn giản nhưng lại nguy hiểm
Mặc dù có mức thu nhập khá cao, nhưng công việc “gõ” sầu riêng phải đối diện với nhiều khó khăn và nguy hiểm. Anh Trần Văn Hùng (thôn Đa Tro, xã Đa Mi) cũng là một trong những thợ “gõ” sầu riêng ở địa phương cho biết: Sầu riêng có cây cao, cây thấp; những cây thấp khi thu hoạch hái trái sẽ đơn giản hơn, nhưng đối với những cây cao thì tuyệt đối phải cẩn thận quan sát, bởi chỉ cần đạp trúng cành khô, mục, thì nguy cơ tai nạn, thương tích sẽ rất cao.
Thêm vào đó, người thợ “gõ” sầu riêng cũng phải cẩn thận trong việc chọn trái, nếu chẳng may xác định tuổi trái không đúng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế. Và khi đó, người thợ gõ sẽ buộc phải bồi thường cho thương lái, thậm chí phải mua lại toàn bộ số sầu riêng non đã cắt nhầm.
“Để đảm bảo an toàn cho chính mình, cũng như đảm bảo về kinh tế, chúng tôi phải luôn cẩn trọng, nêu cao trách nhiệm trong công việc, đồng thời thường xuyên học hỏi kinh nghiệm để gõ, hái chuẩn những trái già, đủ độ tuổi, bảo đảm chất lượng hàng”, anh Hùng cho hay.
So với các vùng trồng sầu riêng trong tỉnh, thì sầu riêng ở xã Đa Mi thường thu hoạch lệch vụ so với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ hơn một tháng. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu giao thoa với vùng cao nguyên ôn hòa mát mẻ chi phối. Hiện tại, các thương lái đang đổ xô về Đa Mi để thu mua sầu riêng, điều này làm cho những lao động tại địa phương càng có thêm thu nhập.
Ở Bình Thuận hiện có 3 vùng đặc trưng trồng được sầu riêng cho sai trái vừa có chất lượng cao để xuất khẩu là Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh. Toàn tỉnh ước có khoảng 2.500 ha sầu riêng, trong đó gần 2.000 ha trong thời gian thu hoạch với năng suất 10 – 16 tấn/ha.
Bảo Ngọc/Báo Bình Thuận