Theo Vanity Fair, "personal shopper" (trợ lý thời trang) không còn là khái niệm quá xa lạ trong giới thời trang. Khi bạn đã quá giàu nhưng lại không đủ thời gian mua đồ cho bản thân, hãy giao công việc đó cho personal shopper. Với những personal shopper làm việc cho người nổi tiếng, công việc này còn áp lực hơn vì lịch trình quá dày đặc.
Chỉ việc tiêu tiền?
Đó là câu chuyện của Nicole Pollard - một personal shopper làm việc ở Los Angeles, Mỹ. Khách hàng của cô đều là những người siêu nổi tiếng. Đó có thể là thành viên trong gia đình hoàng tộc, CEO ở thung lũng Silicon, ngôi sao giải trí...
Với người nổi tiếng, Nicole chủ yếu được yêu cầu sắm quần áo, ví và một số phụ kiện khác. Do đó, cô thường xuyên xuất hiện tại các sàn diễn thời trang ở Paris (Pháp) và Milan (Italy) hàng năm. Sau nhiều năm làm nghề, Nicole Pollard đã gần đạt đến trình độ mua được mọi thứ khách hàng yêu cầu.
"Tôi có mạng lưới đủ rộng để tìm được mọi đôi giày Yeezy. Kể cả những món đồ quý hiếm như Hermès Birkin đính kim cương, làm từ da cá sấu trắng tinh, không gì có thể làm khó tôi. Đó là nghề của tôi", Nicole cho biết.
Personal shopper giải quyết vấn đề thời gian cho những khách hàng có nhiều tiền. Ảnh: Fashionista.
Thông thường, Nicole phải làm việc với các nhà đấu giá và đại lý trên toàn thế giới để tìm những chiếc túi siêu hiếm. Chúng có thể vẫn đang được bày bán tại cửa hàng chính thức với giá khoảng 250.000 USD. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, khách hàng có thể phải trả 1 triệu USD để sở hữu.
Theo Nicole, ngân sách chưa bao giờ là điều khiến các khách hàng của cô bận tâm. Trả lời Vanity Fair, personal shopper này tiết lộ cô có những khách hàng sẵn sàng vung tiền mua đồng hồ đến từ các thương hiệu như Audemars Piguet và Patek Philippe. Mỗi chiếc có giá đắt ngang một ngôi nhà ở ngoại ô Los Angeles.
"Họ không thường định rõ yêu cầu về ngân sách khi mua hàng", cô nói. Về số tiền phải trả cho Nicole, nó có thể vào khoảng 400 USD/giờ hoặc theo phần trăm hóa đơn.
Nicole chia sẻ: "Họ quan tâm đến những gì món quà thể hiện với người nhận hơn là ngân sách. Nếu yêu cầu tìm ấn bản hiếm có chữ ký của Abraham Lincoln hoặc John F. Kennedy, họ sẽ không ra ngân sách cụ thể. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là món quà cho toàn bộ trợ lý trong công ty, họ có thể đưa ra con số như 1.000 USD".
Áp lực thời gian là điều Nicole phải đối mặt khi làm personal shopper cho người nổi tiếng. Quỹ tiền của họ có thể "không đáy" nhưng thời gian lại rất hạn hẹp. Có những lúc khách hàng yêu cầu cô phải tìm mua bộ đồ ưng ý để họ diện trong chuyến du lịch mùa hè tới Cannes, Pháp.
"Họ quá bận rộn nên tôi cần sắp xếp thời gian để gặp khách hàng. Một lần, tôi phải lên máy bay riêng của khách ở Paris (Pháp) nhằm tranh thủ chút thời gian ít ỏi. Máy bay dừng ở Washington (Mỹ) trong khi tôi cần đến Los Angeles. Tuy nhiên, đó không phải vấn đề vì tôi có thể bàn bạc với khách hàng về danh sách quà tặng họ cần", cô chia sẻ.
Những món đồ hiếm và khả năng sắp xếp thời gian tạo nên thương hiệu của personal shopper. Ảnh: Insider.
Giống như nhiều personal shopper khác, Nicole coi tính riêng tư của khách hàng là tuyệt đối. Cô không muốn nhắc đến danh tính các "thượng đế" của mình.
Lần hiếm hoi Nicole phá luật là khi nói về món quà Kim Kardashian và Kanye West dành tặng cho con mình. Tuy nhiên, điều này không vấn đề bởi Kim Kardashian đã khoe lên mạng xã hội trước đó.
Con đường trở thành personal shopper
ỞViệt Nam, công việc này chưa thực sự phổ biến. Dù vậy trên thế giới, các personal shopper xuất hiện ngày một nhiều. Họ chủ yếu quảng cáo hình ảnh trên mạng xã hội và nhận được lượt theo dõi "khủng".
Mức lương của personal shopper đẳng cấp cao không được tiết lộ quá nhiều. Tuy nhiên, nhìn vào những phụ kiện đắt đỏ và hàng loạt chuyến đi xa xỉ trong một năm của họ, chúng ta có thể đoán được phần nào.
Amber Gordon là một trường hợp như vậy. Cô nổi tiếng vì thường xuyên "săn" đồ cho giới siêu giàu. "Phi vụ" đắt đỏ nhất cô từng thực hiện là tìm mua đồng hồ Richard Mille trị giá khoảng 330.000 USD. Trên trang cá nhân, Amber thường khoe ảnh chụp phụ kiện, quần áo đắt đỏ đến từ Louis Vuitton, Manolo Blahnik hay Saint Laurent...
Không có trường lớp đào tạo bài bản để bạn trở thành personal shopper. Tuy nhiên theo Master Class, nếu ước mơ theo đuổi nghề này, bạn nên chú ý những điều sau.
Personal shopper cần nắm kiến thức thời trang và có mối quan hệ đủ rộng. Ảnh: Wprost.
Thứ nhất, personal shopper phải có nền tảng kiến thức về thời trang, đặc biệt là thời trang xa xỉ nếu hướng đến đối tượng người nổi tiếng, khách siêu giàu. Đọc nhiều sách và tạp chí về thời trang có thể bổ sung lượng lớn kiến thức đó. Bạn nên bắt đầu với những công việc như trợ lý stylist hay chụp ảnh thời trang...
Nắm kiến thức cơ bản về may đo cũng là lợi thế. Từ đó, các personal shopper có thể tư vấn cho khách hàng kiểu quần áo phù hợp với cơ thể. Nhiều personal shopper còn đảm nhiệm luôn công việc tư vấn trang phục cho khách. Một số còn được xem như huyền thoại trong nghề như Betty Halbreich.
Để tồn tại trên mạng xã hội, trang cá nhân đẹp đẽ là điều quan trọng. Do đó, nếu muốn theo đuổi nghề personal shopper, bạn cần thu hút khách ngay từ cái nhìn đầu tiên bằng loạt ảnh sản phẩm trên mạng. Kỹ năng chụp hình rất cần thiết.
Trước khi bắt đầu với khách hàng, hãy thử từ bạn bè và gia đình. Đây được xem như bài kiểm tra trước khi bắt đầu với những điều lớn lao hơn.
Điều quan trọng nhất là mối quan hệ để tìm mua những món đồ siêu hiếm. Đây được xem như điều làm nên thương hiệu của personal shopper. Dù vậy, chẳng personal shopper nào tự nguyện chia sẻ mạng lưới thông tin của họ.
Theo Tri Thức Trực Tuyến