Từ tháng 3 đến tháng 4 Âm lịch hằng năm, người dân các huyện miền núi Thanh Hóa như: Cẩm Thủy, Bá Thước, Ngọc Lặc, Quan Hóa… lại tranh thủ lên rừng đi săn trứng kiến.
Đã có thâm niên nhiều năm hành nghề săn trứng kiến, anh Hà Văn Khơi (33 tuổi, trú tại xã Ái Thượng, huyện Bá Thước) cho biết, từ khi còn nhỏ, anh đã theo bố mẹ vào rừng đi lấy trứng kiến.
"Mỗi năm có một mùa trứng kiến, để nhận biết khi nào có trứng kiến, chúng tôi thường xem mùa hoa xoan. Khi hoa xoan nở là bắt đầu mùa trứng kiến. Tuy nhiên, có thời điểm hoa xoan ra muộn, mùa trứng kiến kéo dài đến tận đầu tháng 5 Âm lịch mới hết", anh Khơi chia sẻ.
|
Những tổ kiến được anh Khơi săn tìm cạnh bìa rừng. |
Anh Khơi cho biết, kiến thường làm tổ ở cành cây như xoan, nhãn, vải và những cây tre trong bìa rừng. Săn trứng kiến tuy đơn giản nhưng phải khéo léo để không bị kiến cắn, bò vào người. Để săn trứng kiến, người thợ chỉ cần dùng dao, rồi leo trèo lên các cành cây, chặt cả cành có tổ kiến xuống.
"Loại trứng thu hoạch là trứng của kiến vàng, loại cắn rất đau. Khi lấy trứng kiến phải làm thật nhanh, chặt cả cành cho tổ kiến rơi xuống đất. Nếu không nhanh, kiến sẽ vỡ tổ, bu đầy người. Thợ săn kiến phải khéo léo để tránh bị kiến cắn", người thợ rừng chia sẻ.
|
Anh Khơi dùng dao chặt nhỏ tổ kiến để thu hoạch trứng. |
Theo anh Khơi, sau khi hạ tổ kiến, những người thợ săn sẽ đặt tổ lên chiếc mâm, rồi dùng dao chặt tổ ra thành nhiều miếng nhỏ, sau đó dùng cành cây để đuổi kiến bò ra khỏi mâm.
Theo kinh nghiệm, các thợ săn trứng kiến phải đi săn vào ngày trời nắng. Khi hạ tổ kiến xuống gặp nắng to, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, chỉ còn lại những hạt trứng kiến trắng muốt như hạt gạo. Vào ngày mưa thì kiến sẽ nằm lì trong tổ, gây khó khăn trong việc thu hoạch.
|
Dùng lá cây để dụ đàn kiến ra khỏi tổ. |
Cũng theo anh Khơi, quá trình thu hoạch trứng kiến, người thợ săn dùng chiếc mâm, sau đó sàng để loại bỏ cành lá khô, xác tổ. Mỗi tổ kiến to có thể thu được 1kg trứng kiến, tổ nhỏ thì chỉ thu được khoảng vài lạng.
Hiện, giá bán trứng kiến dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg. Vào chính vụ, nếu may mắn, mỗi ngày một người có thể bắt được 2-4kg. Trứng kiến có vị thơm, bùi và bổ dưỡng. Thông thường, người dân sau khi thu hoạch sẽ giữ một ít để ăn, còn lại bán cho các nhà hàng, chế biến thành các món ăn đa dạng như rang sả, nấu cháo, cuốn lá lốt, xào, làm nhân bánh, đồ xôi. Tranh thủ mùa trứng kiến, những người dân vùng núi cao Thanh Hóa có thể kiếm cả triệu đồng mỗi ngày.
|
Công đoạn sàng sảy hết lá khô, vỏ tổ để lấy trứng kiến. |
|
Để săn được trứng kiến, anh Khơi leo lên những cành cây cao. |
|
Những con kiến vàng bu đầy trên tay người thợ săn. |
|
Trứng kiến thu hoạch được nhìn như những hạt gạo. |
|
Trứng kiến được chế biến, xào lá lốt thơm ngon. |
Theo Thanh Tùng/Dân trí