Nghề nặn con bột tò he, nét cổ truyền in dấu nơi xứ Huế

Google News

Con bột cũng là đồ chơi dân gian sinh ra từ luỹ tre làng quê Thừa Thiên Huế và đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ.

Giữa ồn ào phố thị, giữa biết bao đồ chơi mới lạ, vui mắt và hiện đại, con bột nhiều màu sắc vẫn âm thầm tồn tại qua năm tháng, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt.
Người "khai sinh" nghề nặn con bột ở Huế
Tìm về một xóm nhỏ ở Thừa Thiên Huế - nơi có một người đàn ông vẫn còn "nặng lòng" miệt mài giữ nghề nặn con bột được gia đình truyền lại.
Vừa nặn từng con vật, cánh hoa, chiếc lá nhiều sắc màu, ông Trần Văn Vầy (SN 1966, trú tại 15/637 Nguyễn Tất Thành, phường Thuỷ Dương, TX Hương Thuỷ, TT Huế) với khoảng 50 năm làm nghề cho biết. Nghề nặn con bột được mẹ của ông là mệ (bà) Nguyễn Thị Bé sáng tạo ra, tính đến nay đã tồn tại hơn 100 năm.
Xưa kia khi mệ Bé theo gia đình làm nghề bánh in truyền thống, từng chiếc bánh in khi thành phẩm sẽ được xếp ra một chiếc dĩa và trang trí thêm một bông hoa bằng bột nếp để dĩa bánh thêm phần đẹp mắt.
Từ đó mệ Bé mới nghĩ ra cách nặn riêng những đồ vật với nhiều hình dáng khác nhau để con nít có đồ chơi.
Thay vì dùng bột nếp thì mệ dùng bột lọc để làm thành những cánh hoa, con vịt, con chim, con cò… nho nhỏ, ngộ nghĩnh có thể ăn được và trẻ con thoả thích cầm trên tay chơi đùa mà không hư hỏng.
Cũng bởi là người khai sinh ra nghề vì thế trong những năm tháng xưa cũ, mệ được xem là "đại gia" trong xóm làng, bởi đồ chơi của mệ làm ra vừa đẹp mắt lại có thể ăn, con nít đứa nào cũng thích nên bán rất chạy.
Tuy nhiên, mệ không giữ nghề cho riêng bản thân mà chỉ dạy lại cho bà con trong xóm, ai thích thì có thể qua học, phụ làm, làm xong mệ trả tiền hoặc có thể đem về tuỳ theo công làm trong một buổi.
Ông Vầy trầm ngâm kể lại: "Khi đó còn nghèo khó, cả xóm đều tập trung đến đây để học và phụ làm cho mệ. Khi làm ai thấy đói bụng thì mệ đều cho ăn, người hấp ăn, người đem nướng, có người thì mang về cho con cháu… Có thể nói thời bao cấp thì nghề này là nghề chống đói của nguyên cả xóm."
Thời kỳ nghề hưng thịnh nhất mệ Bé còn dắt theo ông Vầy đi buôn đồ chơi ở khắp nơi, đặc biệt là ở Quảng Trị. Đến chợ, mệ trải vải ra rồi bày hàng ngàn món đồ chơi nhiều hình thù, màu sắc rực rỡ cả một vùng, trẻ con đứa nào cũng mê mẩn, thích thú đòi người lớn mua bằng được, hàng đồ chơi của mệ bán đắt đến nỗi ông Vầy lúc ấy phụ mẹ bán không kịp tay.
Từ đó mệ bỏ sỉ lại cho các mối bán buôn, nhờ vậy mà nghề đã được duy trì cho đến tận ngày nay.
Giữ nghề truyền thống của gia đình
Nghề nặn con bột sắc màu không có tên chính thức mà theo ông Vầy trong gia đình thường gọi là "cu chim", dân gian gọi là con bột, con giống bột, còn người dân ở một số tỉnh thành lân cận thì gọi món đồ sắc màu này là "tò he Huế".
Trong ký ức tuổi thơ của ông Vầy, từ bé cuộc sống của ông đã gắn bó với những sắc màu xanh, đỏ, vàng, tím… Có thể nói những con bột sắc màu đã nuôi dưỡng tâm hồn ông để giờ đây ông vẫn duy trì, làm nghề như tưởng nhớ về "tổ nghề" là mẹ của mình.
Trước đây, món đồ chơi từ con bột được bán quanh năm suốt tháng bởi thời ấy không có nhiều thứ để giải trí phong phú như hiện tại. Tuy nhiên, trong thời thế xã hội phát triển, con bột sắc màu vẫn còn được ưa chuộng mỗi dịp xuân sang.
Cứ mỗi độ xuân về gia đình ông Vầy sẽ cùng sum họp, tất bật nặn từng đồ vật khác nhau… mỗi mùa như vậy gia đình ông nặn từ 8-10 ngàn món đồ chơi bán ra các tỉnh thành chủ yếu là Quảng Trị và Hà Nội.
Nghe nan con bot to he, net co truyen in dau noi xu Hue
 
Để nặn ra những con vật, cành hoa, nhân vật hoạt hình có hồn, đẹp mắt người thợ phải có trí tưởng tượng phong phú, mắt thẩm mỹ và một đôi tay khéo léo.
Nếu các nghề truyền thống đặc thù khác người thợ phải tuân theo một quy tắc nhất định, thì làm con bột ở Huế bất cứ hình thù nào người thợ cũng có thể nặn ra và chỉ đòi hỏi ở sự sáng tạo, khéo tay, đam mê của người thợ.
Đối với ông Vầy, ông có thể nặn bất cứ đồ vật, con vật gì mà ông nhìn thấy, sự sáng tạo thuộc về người làm chứ không bị phụ thuộc hay gò bó bởi bất cứ điều gì.
Đặc biệt, con bột, "tò he Huế" được làm từ bột lọc (loại bột được làm từ củ sắn). Sau khi tạo màu cho bột lọc, người thợ bắt đầu vắt từng cục bột nhỏ rồi từ từ nặn thành hình, làm xong sẽ mang đi hấp cách thuỷ cho đến khi những món đồ lên màu tươi, trong là được. Không có mức thời gian cụ thể mà ông Vầy chỉ canh theo kinh nghiệm mách bảo.
Điểm giống nhau của con bột ở Huế và tò he ở những làng nghề khác chính là bột đều ăn được vì màu được trộn có nguồn gốc tự nhiên. Theo đó, người nghệ nhân cũng thỏa sức sáng tạo nên những con vật, hình thù mà bản thân muốn.
Điều thú vị trong nghề truyền thống mà gia đình ông Vầy đang gìn giữ đó là trong thôn xóm của ông, bà con láng giềng ai cũng biết làm.
Xưa kia, con bột, "tò he Huế" là món đồ chơi dành cho con nít, mang đến cho trẻ em một tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên, còn ngày nay theo năm tháng thì con bột còn mang ý nghĩa tâm linh và vẻ đẹp riêng có của một miền quê Việt Nam.
Theo Phùng Hà/Tổ Quốc