Nghỉ lễ 2/9 dài để kích cầu du lịch, các ngành khác thì sao?

Google News

Cơ quan tham mưu ngày nghỉ lễ cho Bộ LĐTB&XH cho rằng cần xem xét và điều chỉnh hợp lý ngày nghỉ lễ để cân đối giữa các ngành chứ không chỉ kích cầu ngành du lịch.

Trao đổi với Zing, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động - cơ quan tham mưu các ngày nghỉ lễ cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cho biết đơn vị chưa nhận được văn bản đề xuất từ ngành du lịch về đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp 2/9.
Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề xuất hưởng ứng phong trào kích cầu du lịch nội địa bằng cách từ thứ 4 đến chủ nhật có thể xem xét cho một kỳ nghỉ dài nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng đề xuất này cần phải được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng.
"Số ngày nghỉ lễ đã được Thủ tướng chốt từ đầu năm nên giờ không thể hoán đổi. Nếu bây giờ ngành du lịch đề xuất thì cần phải cân nhắc và xem xét", ông Thắng nêu quan điểm.
Theo ông Thắng, sau thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, nhiều doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước đang tập trung vào làm bù lại khoảng thời gian trước kia. Ngành lao động hiện cũng đang gặp khó khăn và cần làm nhiều việc, không chỉ ngành du lịch cần kích cầu.
Sau khoảng thời gian đình trệ, người lao động bây giờ mới có cơ hội làm việc trở lại và làm bù theo kế hoạch. Nghỉ lễ dài sẽ kích cầu cho ngành du lịch nhưng các ngành khác thì phải cân nhắc.
"Nếu nhận được văn bản đề xuất của ngành du lịch, đơn vị sẽ tham mưu cho Bộ và báo cáo lên Chính phủ. Việc thay đổi ngày nghỉ lễ phải đảm bảo sự cân đối giữa các ngành", Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết.
Nghi le 2/9 dai de kich cau du lich, cac nganh khac thi sao?
Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết việc đề xuất thêm 5 ngày nghỉ lễ dịp 2/9 chỉ kích cầu cho ngành du lịch nhưng các ngành khác cần phải cân nhắc. Ảnh minh họa. 
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong 4 tháng đầu năm 2020, hơn 5 triệu lao động trên cả nước bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm và giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cùng với đó, 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc. Trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức phải tạm dừng hoạt động kinh doanh khoảng 1 tháng để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội.
Kết quả điều tra lao động việc làm trong quý I cũng cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ chiếm 75,4% dân số trong độ tuổi lao động. Từ tháng 5, số lao động quay trở lại làm việc đã tăng lên. Mỗi tháng, cả nước có khoảng 70.000-80.000 lao động trở lại làm việc.
Về phía ngành du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng đưa ra số liệu cho thấy trong 5 tháng đầu năm, toàn ngành du lịch chỉ đón 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu rơi vào quý I. Tháng 4, 5 hầu như không có khách, giảm 50% so với cùng kỳ. Khách nội địa khoảng 16 triệu lượt, giảm hơn 60%. Tổng thu toàn ngành giảm 47,4%.
Năm 2020, người lao động có 14 ngày nghỉ lễ tính cả các ngày thứ 7, chủ nhật liền kề. Từ nay đến cuối năm, cả nước chỉ còn một ngày nghỉ lễ vào ngày 2/9. Năm 2021, người lao động được nghỉ thêm một ngày vào dịp 2/9, tăng tổng số ngày nghỉ lễ trong năm lên 11 ngày so với quy định hiện hành.
Theo Mỹ Hà/Zingnews.vn