Giữa đô thị ồn ào, căn nhà 5 tầng nằm trong ngõ An Trạch, quận Đống Đa (Hà Nội) được gia chủ lựa chọn kiến trúc hoàn toàn độc đáo, sắc màu và hơi thở đậm chất “làng quê”.
Ngôi nhà 5 tầng có diện tích 60m2. Trước khi cải tạo, mỗi tầng có 2 phòng ngủ, 1 vệ sinh. Sau cải tạo, mỗi tầng được thiết kế thông phòng, gia chủ tận dụng các mặt thoáng để mở cửa tận dụng ánh sáng tự nhiên. Trước mỗi ô cửa cũng được chủ nhà trồng các chậu cây xanh mát.
Ngoài ra, chủ nhà tinh tế lựa chọn các đồ vật decor mộc mạc và xinh xắn, như góc phòng khách là bức tranh treo tường, một chiếc bể cá, những bình hoa cổ,... Các đồ vật được bài trí hài hòa tạo nên khoảng “không gian chữa lành” ý nghĩa.
Những món đồ vật decor xinh xắn...
Đặc biệt, với những gia đình ở nội đô, việc làm mới không gian trong chính ngôi nhà nhỏ của mình đã mang lại cho nhiều gia chủ những trải nghiệm bất ngờ.
“Hàng xóm thường nghĩ nhà tôi là homestay để cho thuê. Mỗi ngày, khi về đến nhà được sống trong không gian tĩnh tại, bên các đồ vật mộc mạc và đơn giản, như giúp mình được tái tạo nguồn năng lượng sống” - chị Nguyễn Tuyết Lan (Đống Đa, Hà Nội) – người đã lựa chọn kiến trúc “nhà quê” chia sẻ.
Trải nghiệm từ ngôi nhà của chính mình, chị Lan cho rằng, ngoài việc tìm đến bình yên bên trong bằng sự thiền định, chúng ta ai cũng có thể thư giãn tại chính không gian mình đang sống.
“Không cần quá đắt đỏ, không gian sống đó ai cũng có thể thực hiện cho riêng mình khi ta "để tâm" tới . Đơn giản có thể chỉ là 500 nghìn hoặc cũng có thể đến vài trăm triệu, tuỳ thuộc đó là một góc không gian của bancon với vài chậu cây xinh xắn, một góc vườn hoặc là một căn nhà mang hơi hướng đó” – chị Lan nói thêm.
Không gian đầy sắc màu.
Quả thực, trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều người do bận bịu với công việc, chăm sóc con nhỏ,... mà bỏ qua cuộc sống hàng ngày của chính mình. Và khi đã quá mệt mỏi, họ thường tìm đến những dịch vụ chữa lành mà quên đi rằng, việc tạo lập không gian sống phù hợp trong chính ngôi nhà của mình lại chính là “liều thuốc” ý nghĩa nhất giúp mang đến những trải nghiệm cân bằng, thư thái, giảm stress hiệu quả.
Anh Huy, đại diện nhóm kiến trúc sư phụ trách các dự án cải tạo nhà phố theo phong cách truyền thống.
Chia sẻ với phóng viên, anh Huy, đại diện nhóm kiến trúc sư phụ trách các dự án cải tạo nhà phố theo phong cách truyền thống, cho hay, cụm từ “chữa lành” được nhắc đến khá nhiều và nổi lên như xu hướng sau khoảng thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cũng từ đó, khái niệm “không gian chữa lành” càng được nhiều người tìm hiểu và quan tâm.
Những khoảng không gian xanh mát.
Với các căn nhà nội đô, đặc điểm chung là có diện tích nhỏ nên thường bị hạn chế không gian tù túng trong 4 bức tường. Sau khi cải tạo, cảm giác chật hẹp tù túng không còn nữa, thay vào đó là một không gian xanh mát đầy thư giãn...
Cũng theo anh Huy, việc làm mới ngôi nhà hay thiết kế không gian ở sẽ tùy theo ý gia chủ, không nhất thiết cần quá cầu kỳ hay cần quá nhiều tiền. Điểm khó nhất chính là do rất nhiều người có tâm lý “ngại thay đổi” hay đúng hơn là “sợ” nên họ còn lưỡng lự.
“Họ sợ thay đổi, sợ kinh phí đắt đỏ, sợ không phù hợp, sợ rằng gặp kiến trúc sư tư vấn không có tâm hoặc không hợp gu, sợ rất nhiều thứ,... nên rất ít người trong số họ vượt qua được cái ngại hay cái sợ đó để thay đổi. Tuy nhiên, trong số rất ít người dám thay đổi thì họ lại rất hài lòng với các câu nói như: “biết thế tôi làm sớm hơn, nếu biết thế này tôi thay đổi từ lâu rồi””, anh Huy thông tin.
Góc sân thượng là nơi lý tưởng để gia chủ cùng bàn bè tụ họp mỗi dịp cuối tuần.
Đúc rút từ kinh nghiệm trong nghề, anh Huy cho rằng, đối với mỗi người sự lựa chọn rất quan trọng. Tất nhiên, “điều quan trọng nhất, bạn đã sẵn sàng thay đổi hay chưa, bạn có chấp nhận những cái mới đó hay không? Nó có phù hợp và mang lại giá trị đích thực cho bạn hay không?... thì khi đó sẽ là phù hợp nhất” – anh Huy lưu ý thêm.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Tuấn Kiệt/ Người Đưa Tin