Kinh phí dát vàng chưa tới 1 triệu đồng/cây
Ngày 2/1/2019, trước nhiều ý kiến của các nghệ nhân cây cảnh và chuyện gia sinh vật cho rằng việc dát vàng lên cây đang sống sẽ không bền, khiến cho cây bị ngộ độc chết, anh Trần Quốc Việt - chủ nhà vườn ở Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ đã phủ nhận tất cả điều này.
Anh Việt cho biết, bản thân anh vốn là người thợ chế tác gỗ lâu năm, công việc kinh doanh chủ yếu dựa vào các sản phẩm từ gỗ.
"Việc trạm khắc cây đang sống và dát vàng lên đó là ý tưởng mà tôi mới thực hiện trong vài năm trở lại đây, trước khi đưa ra thị trường tôi cũng đã nghiên cứu, thử nghiệm rất kỹ trước khi quyết định đưa mặt hàng này ra thị trường" - anh Việt kể.
|
Anh Việt bên tác phẩm dát vàng lên cây đang sống của mình. |
Theo anh Việt, sau khi trạm khắc các tích lên cây đang sống như Long Tranh Hổ Đấu, Phật Di Lặc, Phật Quan Âm... anh sử dụng hóa chất làm chết các tế bào bên ngoài của cây, sau đó mới tiến hành dát vàng.
Cụ thể việc làm chết lớp tế bào bên ngoài cây đang sống như nào không được anh Việt chia sẻ, người chủ vườn này chỉ bật mí đó là loại hóa chất được anh đúc kết bằng kinh nghiệm trong nhiều năm làm trong lĩnh vực chế tác gỗ của mình.
Loại vàng dát được anh Việt sử dụng là vàng "non". Để làm tăng độ bóng đẹp của loại vàng này, anh Việt phải pha thêm các hóa chất trước khi dát.
"Việc dát vàng non vừa không tốn kém lại vừa có thể tạo độ bóng, chắc cho bề mặt dát. Tính ra giá trị vàng "non" dát lên mỗi cây chưa tới 1 triệu đồng" - anh Việt chia sẻ.
Bảo hành độ bền trên 5 năm, cây không thể chết
Chủ nhà vườn này cho biết, việc dát vàng lên cây đang sống được anh thực hiện khoảng hơn 5 năm trước.
Khi nhận thấy đây là mặt hàng tiềm năng nên anh Việt quyết định chế tác trên diện rộng để xuất ra ngoài thị trường.
"Nghệ nhân chơi cây cảnh thì họ chỉ biết tạo dáng, uốn cây thế nào cho ra dáng đẹp còn không nắm rõ về công nghệ dát vàng.
Còn với những chuyên gia sinh vật, họ chưa nắm rõ được bí quyết làm chết tế bào cây mà tôi nghiên cứu ra nên nghi ngờ cây có thể ngộ độc chết.
Nhưng tôi đã thử nhiệm rất kỹ, nhận thấy việc dát vàng không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây. Đồng thời lớp vàng dát lên cũng không bị rạn nứt thì tôi mới bán cho khách hàng.
Những người nào đã mua sản phẩm của tôi sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo quản lớp vàng dát. Nếu độ bền dưới 5 năm tôi sẵn sàng bảo hành cho khách" - anh Việt khẳng định.
Anh Việt nói thêm, với mỗi cây khi bán cho khách hàng sẽ được dát vàng từ 1 đến 2 lần. Cũng có những trường hợp khi khách hàng đưa về chăm sóc một thời gian thì lớp mạ vàng xuất hiện lớp sần sùi, khi đó anh Việt sẽ đến trực tiếp xử lý và dát tiếp thêm lớp vàng nữa lên phần trạm khắc để đảm bảo độ bền. Đã có nhiều người đến mua cây dát vàng của anh Việt về trồng thấy ưng ý.
"Tôi chưa nhận được lời phàn nàn nào của khách hàng việc việc cây bị chết hay lớp vàng dát không đảm bảo" - anh Việt nói.
"Việc dát vàng lên cây đang sống không phải "chơi ngông" như nhiều người lầm tưởng. Thực tế kinh phí cho việc dát vàng không đáng bao nhiêu chủ yếu là nắm được bí quyết làm chết lớp tế bào bên ngoài cây và làm sao cho vàng "non" có độ bóng, óng ánh đẹp nhất" - anh Việt tâm sự.
Theo Vân Long/Đất Việt