Điều hòa kém lạnh do thiếu gas
|
Ảnh minh họa. |
Nếu điều hòa nhiệt độ kém lạnh, bạn nên kiểm tra ngay gas điều hòa và các đường ống dẫn. Các máy điều hòa nhiệt độ đã sử dụng được vài năm và đường dẫn kéo dài, nhiều mối rò rỉ rất nhỏ phải sau cả năm mới có biểu hiện. Vì vậy, sau khi tổng vệ sinh bảo dưỡng mà vẫn thấy ít lạnh thì phải kiểm tra gas. Nếu bạn vừa nạp gas để tăng dung môi làm mát nhưng điều hòa không đủ lạnh thì cần nhanh chóng tìm nguyên nhân rò rỉ, khắc phục xong mới được nạp gas lại. Nếu nạp gas bổ sung mà không kiểm tra thì chỉ sau một thời gian lại hết gas và mất lạnh như cũ.
Ở các máy điều hòa nhiệt độ mới lắp, nếu không đủ lạnh, có thể do các mối hàn của hệ thống dẫn gas đã hở nên điều hòa nhiệt độ có thể hết gas. Lúc này, người dùng nên gọi thợ bảo hành để kiểm tra các mối hàn.
Điều hòa quá tải vì hoạt động liên tục
Vào những ngày nhiệt độ ngoài trời cao hơn 40 độ C và nắng nóng gay gắt như hiện nay, rất nhiều gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ liên tục để tránh nóng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quá tải.
Thói quen để điều hòa nhiệt độ ở mức thấp nhất của nhiều người trong thời gian liên tục có thể sẽ dẫn đến điều hòa bị quá tải hoặc giảm tuổi thọ đáng kể.
Ngoài ra, việc để mức nhiệt quá thấp cũng không tốt cho sức khỏe vì mức nhiệt độ chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa bên trong và ngoài dễ rất đến tình trạng “sốc” nhiệt. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, dù thời tiết có nóng thế nào, hãy cài đặt nhiệt độ điều hoà khoảng 25 độ C hoặc chỉ thấp hơn nhiệt độ ngoài trời 5 – 7 độ C.
Cũng theo khuyến cáo của Điện lực Việt Nam EVN, người dùng chỉ nên bật điều hòa ở mức 26 độ C để đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
Một mẹo nhỏ để giúp bạn có thể thấy mát hơn là sử dụng thêm quạt điện. Gió của quạt điện cùng hơi mát trong phòng điều hòa sẽ giúp người dùng có cảm giác mát hơn nhiều nếu chỉ dùng điều hòa nhiệt độ.
Vào những khi thời tiết dịu mát (sáng sớm hoặc đêm), hãy tắt điều hòa và mở cửa để đón không khí ngoài trời. Tương tự như vậy, nếu không quá nóng, bạn có thể tắt điều hòa khi ngủ đêm. Cơ thể của bạn có thể chịu được nhiệt độ cao hơn khi ngủ.
Vị trí lắp điều hòa nhiệt độ chưa tối ưu
Nhiều gia đình ở chung cư hoặc các căn nhà có diện tích hẹp nên hạn chế trong việc chọn được góc phù hợp để lắp đặt. Ngoài ra, cũng không ít người cho rằng việc lắp điều hòa ở góc phòng nóng sẽ nhanh chóng giảm nhiệt. Chính điều này dễ dẫn đến tình trạng máy điều hòa phải chạy quá tải khi phải làm mát bức tường quá nhiệt trước rồi mới đến không khí trong phòng.
Đặc biệt với những ngày thời tiết ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, thì việc để điều hòa nhiệt độ ở góc phòng nóng, bị nắng chiếu trực tiếp sẽ khiến điều hòa nhiệt độ phải hoạt động liên tục mà vẫn không thể làm mát đủ như kỳ vọng.
Theo lời khuyên, bạn nên lắp điều hòa ở những góc mát để nhiệt độ trong phòng giảm nhanh rồi mới từ từ mát những bức tường xung quanh. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý không nên kéo hệ thống dẫn giữa dàn nóng, lạnh quá dài vì như vậy hệ thống sẽ không hoạt động tối ưu.
Ngoài ra, lắp giàn điều hòa đối diện với hướng gió cũng khiến giảm khả năng làm mát. Ở những nơi có nhiều gió không được lắp giàn đối diện với hướng gió, bởi gió gây tản hơi điều hòa và khiến điều hòa nhiệt độ phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ độ mát. Tốt nhất, hãy lắp điều hòa nhiệt độ vuông góc với hướng gió.
Chọn công suất điều hòa chưa phù hợp
Công suất điều hòa nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến khá nhiều yếu tố: vật liệu xây dựng, nguồn nhiệt tác động đến căn phòng, số lượng người sử dụng, tần suất sử dụng…Vì thế, không phải căn phòng nào cũng có tiêu chuẩn giống nhau. Tình trạng điều hòa nhiệt độ không đủ lạnh thường xuyên xảy ra ở các gia đình có đông nhân khẩu, không gian quá rộng và không khép kín; Hay ở các công sở, nơi phòng làm việc có nhiều người, nhiều loại máy móc và thiết bị gia nhiệt hay có quá nhiều người thường xuyên ra/vào.
Để tránh tình trạng này, trước khi mua điều hòa nhiệt độ, người mua có thể cộng/trừ thêm khoảng 5 - 10m3/công suất. Trường hợp trong lúc sử dụng phòng có mặt ngoài bị chiếu nắng trực tiếp, thông với phòng khác, có quạt hút thông gió... hãy cộng thêm từ 0.3 – 0.5 Hp tùy mức độ nhiệt nóng làm tổn thất công suất lạnh.
Bộ lọc khí của điều hòa có thể bị bụi bẩn
Việc duy trì ổn định về nhiệt độ tốt nhất của điều hòa nhiệt độ phụ thuộc rất nhiều vào độ thông thoáng, sạch sẽ của cả dàn nóng và dàn lạnh. Vì vậy, để đảm bảo điều hòa có thể cung cấp đủ không khí lạnh, cần thường xuyên làm thông thoáng dàn nóng và dàn lạnh không để bụi bẩn bám vào.
Đối với các loại điều hòa mới sẽ không gặp phải tình trạng này. Nhưng các loại điều hòa nhiệt độ đã cũ (sử dụng được khoảng 2 năm) mà không được vệ sinh, bảo dưỡng cẩn thận sẽ rất bẩn. Mảng bám, bụi bẩn, mạng nhện sẽ tạo ra một lớp bám dính. Nếu tình trạng này xảy ra ở lưới lọc của dàn lạnh sẽ khiến điều hòa không thể thổi hơi lạnh ra phòng. Còn ở dàn nóng dễ dẫn đến tình trạng tắc, không thông thoáng cho dàn nóng tỏa nhiệt khi điều hòa hoạt động.
Trong đó, bộ lọc khí là thành phần thiết yếu của mỗi điều hòa không khí loại bỏ bụi và các mảnh vụn từ không khí trước khi thổi vào nhà của bạn. Hầu hết các bộ lọc không khí cần phải được làm sạch hoặc thay thế hàng tháng, mặc dù một số bộ lọc hiệu suất cao có thể kéo dài lâu hơn. Bộ lọc không khí bẩn có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của máy và dẫn đến các vấn đề như đóng băng.
Nếu điều hòa không khí của bạn có một bộ lọc tái sử dụng, hãy vệ sinh bộ lọc dưới vòi nước lạnh và để khô hoàn toàn trước khi lắp trở lại. Nếu cẩn thận, hãy thay thế lọc khí theo đúng yêu cầu từ nhà sản xuất để đảm bảo hoạt động của máy.
Theo ICT News